|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cước vận tải giảm nhưng doanh nghiệp vẫn nặng gánh vì chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao

20:43 | 20/12/2022
Chia sẻ
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, hiện nay gánh nặng về vận tải biển quốc tế đã được tháo gỡ do cước tàu giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí logistics vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm do chi phí vận tải nội địa đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng.

Chi phí logistics trung bình tại Việt Nam cao gấp đôi các nền kinh tế phát triển 

Ngày 20/12, tại Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022, bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM (HLA), cho biết cước vận tải quốc tế tăng mạnh từ năm 2021 với tỷ lệ tăng từ 8 - 10 lần so với thời kỳ trước COVID-19.

Có giai đoạn giá cước vận tải đường biển đi từ Việt Nam đến bờ đông nước Mỹ lên tới hơn 15.000 USD/container nhưng doanh nghiệp không đặt được tàu và container rỗng.

Thời điểm đó, các lô hàng bán theo điều kiện FOB bị ngưng vì người mua không thể trả cước chênh lệch quá cao. Trong khi các lô hàng bán theo điều kiện CIF bị hủy do các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể trả cước vận chuyển, nhiều đơn hàng giá cước vận chuyển cao hơn giá trị hàng hóa.  

Tuy nhiên, từ tháng 7/2022 cước vận tải quốc tế, đặc biệt là các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ đã giảm nhiều so với năm 2021 và đến quý IV/2022 cước vận tải quốc tế đang có xu hướng trở về trạng thái bình thường như giai đoạn 2019-2020.

Tình trạng tắc nghẽn cảng đã được cải thiện nhiều tại các cảng trên thế giới, tình trạng khan hiếm container rỗng đã được giải quyết, các khách hàng có thể lựa chọn nhiều hãng vận chuyển phù hợp. 

Dù vậy, có một vấn đề đang diễn ra là hiện nay chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8-17% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60% và trên thực tế có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20-25% cho chi phí này.

Các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn Logistics với khu vực châu Âu - châu Mỹ 2022. (Ảnh: Như Huỳnh)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết, hiện nay gánh nặng về vận tải biển quốc tế đã được tháo gỡ do cước tàu giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí logistics vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm gỗ, nội thất của Việt Nam do chi phí vận tải nội địa đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng. 

Ông Phương dẫn chứng một container gỗ trị giá 20.000 - 30.000 USD, trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% và với đặc thù là nhóm hàng có thể tích lớn, cồng kềnh nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển. 

“Ngành chế biến gỗ tập trung nhiều ở khu vực TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu,…nhưng nguồn cung nguyên liệu gỗ trong nước chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc nên doanh nghiệp tốn khá nhiều chi phí logistics nội địa, làm gia tăng chi phí", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ. 

Tương tự, với ngành rau quả, ông Nguyễn Quang Thạnh, ban chấp hành Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết chi phí vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ hiện nay rất cao, chỉ thua đường hàng không và phải đi qua các thành phố lớn, thường xuyên tắc nghẽn dẫn đến bị trễ chuyến tàu, trễ chuyến bay.

Trong khi đó, phương thức vận tải đường thuỷ chưa được khai thác nhiều, dù có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch kết nối xuyên suốt từ các tỉnh đến TP HCM.

Giải pháp nào cắt giảm chi phí logistics?

Để giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp, bà Võ Thị Phương Lan cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB sang mua hàng sang CIF nhằm chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển. 

Đồng thời, các nhà xuất nhập khẩu nên thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách swap container (trao đổi container) hàng xuất - nhập, nhằm giảm thiểu chi phí vận tải khi mà giá dầu liên tục biến động tăng do ảnh hưởng cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, kiểm soát các phụ phí hàng xuất - nhập thu theo định mức tiêu chuẩn tránh thu phí tràn lan...

"Việc sử dụng container nhập hàng để đóng hàng xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí, và dùng container nhập để vận chuyển hàng đến kho ngoại quan giúp giảm 30% chi phí vận chuyển", bà Võ Thị Phương Lan nhấn mạnh. 

Còn với vấn đề logistics nội địa, theo ông Nguyễn Quang Thạnh, để cắt giảm chi phí vận tải từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP HCM cần thúc đẩy khai thác mạng lưới giao thông đường thuỷ nội địa, đồng thời đồng bộ các xe lạnh, container lạnh xuyên suốt quá trình vận chuyển, đảm bảo độ tươi ngon của trái cây khi đến với khách hàng.  

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng: "Chi phí logistics trong nội địa sẽ có xu hướng lên cao nữa nếu không giải quyết vấn đề lưu thông. Hiện nay, các tỉnh thành đã có quy hoạch các tuyến đường sông, đường bộ. Nhiều doanh nghiệp đang hy vọng tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 được đẩy nhanh, kết nối với hệ thống cảng ở Đồng Nai, TP HCM thì sẽ giảm được chi phí logistics".

Như Huỳnh