|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Việt Nam sẽ không thoát khỏi tác động của chiến tranh thương mại

19:36 | 30/05/2019
Chia sẻ
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, Việt Nam sẽ có được một số lợi ích trong ngắn hạn, nhưng nếu tranh chấp thương mại kéo dài sẽ gây một số thiệt hại, theo Nikkei.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Việt Nam sẽ không thoát khỏi tác động của chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Diễn đàn Tương lai châu Á ngày 30/5. (Ảnh: Karina Nooka)

"Việt Nam sẽ không thể tránh được các tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại do tính chất mở của nền kinh tế", Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói với Diễn đàn Tương lai châu Á của Nikkei tại Tokyo (Nhật Bản) vào hôm nay 30/5.

"Chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu bao gồm cả Việt Nam"

Phát biểu về các cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh lưu ý rằng xuất khẩu của Việt Nam chiếm 200% tổng sản phẩm quốc nội, nên sẽ nhạy cảm với những thay đổi nhỏ trong nền kinh tế và dòng chảy thương mại toàn cầu.

Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam về công nghệ và giá trị thương mại. "Chúng tôi đang cẩn thận theo dõi tình hình và sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp cần thiết nào để đối phó", Nikkei dẫn lời Bộ trưởng cho hay.

Để chống lại chủ nghĩa bảo hộ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã mời chào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại được đề xuất bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand với 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Hiệp định sẽ bao gồm gần 50% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu.

"Về một số mặt, Việt Nam có thể hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động lâu dài đến nền kinh tế toàn cầu bao gồm cả Việt Nam", Bộ trưởng Phạm Bình Minh lưu ý.

Việt Nam chọn lọc đầu tư từ nước ngoài

Một tập đoàn thương mại Mỹ, có trụ sở ở miền Nam Trung Quốc, nhận ra rằng vào tháng 10 năm ngoái, có 22% các công ty được khảo sát trong khu vực cho biết họ đã mất thị phần trước các đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam, tiếp theo là 14% ở Đức và 11% ở Nhật Bản.

Mặc dù kết quả xuất khẩu gia tăng có thể tác động tích cực, "điều này chỉ dành cho ngắn hạn", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn sau bài phát biểu.

"Sự kéo dài của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của chúng tôi", ông Minh nói, đồng thời lưu ý rằng việc tiếp cận các nguyên liệu nhập khẩu của Việt Nam có thể bị hạn chế  từ việc giảm tổng thể trong nhu cầu toàn cầu.

Một số người cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ thu hút đầu tư toàn cầu hơn do các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng ông Minh cho biết Việt Nam sẽ chọn lọc về việc này. 

"Công nghệ cao là ưu tiên đầu tư vào Việt Nam," Bộ trưởng nói, "Và chúng tôi cần cẩn thận về đầu tư nếu không đạt chất lượng". 

Đại diện Việt Nam cũng cho biết sẽ cảnh giác trước các giao dịch chỉ đơn thuần là chuyển hàng hóa qua Việt Nam, để vượt qua các rào cản thương mại giữa hai cường quốc kinh tế.

Cho đến nay, Việt Nam đang duy trì mức tăng trưởng GDP cao đạt gần 7% trong quý đầu tiên. "Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể duy trì sự tăng trưởng này trong năm nay", ngài Phó Thủ tướng nói trong bài phát biểu.

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cao của Việt Nam bao gồm cải thiện quản lý doanh nghiệp cũng như cải cách kinh tế. "Thay vì phát triển các khu vực rộng lớn, chúng tôi đang cố gắng tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ cao và nông nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng cho tương lai", Nikkei dẫn lời Bộ trưởng.

Ánh Dương