|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Các kịch bản của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

07:26 | 30/05/2019
Chia sẻ
Sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến giới nhà đầu tư băn khoăn về triển vọng phát triển trong tương lai.
Các kịch bản của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo báo “Văn Hối” (Hong Kong), sau vài tháng đạt được tiến triển đáng kể trong đàm phán thương mại song phương, Mỹ bất ngờ tuyên bố tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 10/5/2019, đồng thời đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chính phủ Trung Quốc lập tức đưa ra phản ứng, tuyên bố áp dụng mức thuế tối đa 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá 60 tỉ USD từ Mỹ kể từ ngày 1/6/2019.

Sau 11 vòng đàm phán thương mại song phương, Trung Quốc và Mỹ (một lần nữa) bước vào giai đoạn leo thang căng thẳng, phá vỡ cục diện yên bình ghi nhận được sau khi hai bên hồi tháng 12/2018 nhất trí tạm dừng tăng thuế và tiếp tục đàm phán.

Tuy nhiên, diễn biến vẫn phù hợp với dự báo cơ bản của giới phân tích, theo đó trong giai đoạn đàm phán thương mại Mỹ-Trung, những biến động ngắn hạn sẽ gia tăng nhưng hai bên cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận để tránh gây ra cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Không thể phủ nhận rằng căng thẳng thương mại đang nóng lên, nhưng do hạn chế của mỗi bên, Mỹ và Trung Quốc không dễ đánh cược thêm trong cuộc xung đột thương mại. Điều quan trọng là việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể gây tổn hại cho chính nền kinh tế Mỹ, trong khi tình hình kinh tế của Trung Quốc có thể nói tốt hơn so với một năm trước.

Mặc dù môi trường lạm phát ở Mỹ vẫn tốt, nhưng kể từ khi Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lần đầu tiên vào tháng 6/2018, thực lực kinh tế của nước này đã suy yếu với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2019 chỉ đạt 3,2%, so với mức tăng 4,2% ghi nhận trong quý II/2018.

Vòng áp thuế tiếp theo đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá hơn 300 tỉ USD có thể gây tác động lớn hơn lên người tiêu dùng và nhà bán lẻ so với hai vòng áp thuế trước, điều này có thể dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao, lợi nhuận của nhà bán lẻ giảm đi và thu nhập khả dụng giảm xuống.

Ngược lại, tình hình của Trung Quốc có thể nói là thuận lợi hơn năm ngoái. Nền kinh tế nước này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt (tăng trưởng GDP trong quý I/2019 là 6,4%, trong khi tốc độ tăng trưởng trong quý II/2018 chỉ cao hơn một chút, ở mức 6,7%).

Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn áp dụng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời đưa ra các chính sách chủ yếu nhắm vào người tiêu dùng để giảm thiểu mọi tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn bị tác động mạnh bởi đợt áp thuế bổ sung, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn rất cảnh giác với những thách thức trong thời gian tới.

Khi quan hệ căng thẳng thương mại bước vào giai đoạn mới, các nhà đầu tư phải nắm bắt các kịch bản khác nhau cũng như những tác động của chúng. Theo giới phân tích, có 4 khả năng cho thỏa thuận thương mại Trung-Mỹ:

Kịch bản đầu tiên là Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại, loại bỏ thuế quan bổ sung áp đặt từ năm 2018. Đây là kết quả tốt nhất cho thị trường, vì nó đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng của căng thẳng thương mại và cam kết của cả hai bên trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn. Hiện nay, các nhà phân tích cho rằng đây là kịch bản có cơ hội xảy ra thấp nhất trong ngắn hạn.

Theo kịch bản thứ hai, hai bên đạt được thỏa thuận thương mại, nhưng mức thuế hiện tại (bao gồm cả đợt áp thuế mới nhất thực hiện năm 2019) vẫn không thay đổi. Đây là kết quả có khả năng xảy ra cao nhất. Ngay cả khi điều này mang đến khung thỏa thuận cuối cùng giữa hai bên, song theo dự kiến cơ bản, cọ xát giữa hai nước sẽ tiếp tục.

Kịch bản thứ ba là không thể đạt được thỏa thuận thương mại và hai bên tiếp tục áp dụng thuế quan hiện nay. Cuối cùng, kịch bản thứ tư là áp đặt thêm thuế quan hoặc đàm phán thương mại đổ vỡ. Trong trường hợp này, quan hệ căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang, bao gồm cả việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu.

Giới đầu tư có thể hiểu được về sự leo thang gần đây của tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và tương lai của cuộc chiến thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dự báo cơ bản đưa ra ban đầu vẫn là kết quả rất có thể xảy ra: biến động ngắn hạn, song cuối cùng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận.

Thuế quan chắc chắn sẽ gây tổn hại cho Trung Quốc, nhưng Chính phủ Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp kích thích hơn nữa để loại bỏ các tác động tiêu cực mà tranh chấp thương mại dai dẳng tạo ra đối với nền kinh tế, như lấy chính sách nội nhu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế làm mục tiêu. Chi phí tiêu dùng chiếm hơn 70% GDP của Trung Quốc trong năm 2018.

Tương tự, động lực kinh tế của Mỹ đã suy yếu, những tổn thất do đợt thuế quan tiếp theo gây ra đối với người tiêu dùng và các nhà bán lẻ trong nước có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với trước đây.

Theo tình hình hiện nay, khả năng đạt được thỏa thuận bãi bỏ thuế quan là thấp nhất, nhưng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận, duy trì mức thuế quan hiện tại và đưa ra khuôn khổ để đạt được thỏa thuận cuối cùng trong tương lai. Khả năng này được xem là lớn hơn nhiều so với nguy cơ nổ ra một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Hoài Nam