|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư: 'Không có chuyện xin - cho trong phân bổ vốn'

11:57 | 15/06/2017
Chia sẻ
Sáng 15/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
bo truong ke hoach dau tu khong co chuyen xin cho trong phan bo von Ngày mai (15/6), Quốc hội khoá XIV chất vấn phiên cuối kỳ họp thứ 3
bo truong ke hoach dau tu khong co chuyen xin cho trong phan bo von Chất vấn Quốc hội: 'Ngành KHĐT vẫn còn nhiều việc phải nỗ lực'

Không có xin - cho trong phân bổ vốn

Phiên chất vấn sáng 15/6, một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là về việc cung cấp vốn cho đầu tư công, chậm giao vốn cho các địa phương và nợ đọng trong xây dựng cơ bản.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đặt câu hỏi về vấn đề phân bổ vốn chậm, ODA chậm. "Có tồn tại cơ chế xin - cho hay không?", ĐB Hàm chất vấn.

Trả lời ĐB tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhu cầu đầu tư lớn, nợ công sát trần, mức vốn đầu tư có giới hạn, đảm bảo an toàn nợ công Quốc gia nên chúng ta không thể đáp ứng hết nhu cầu lớn của các địa phương dẫn đến tình trạng chậm giao vốn.

Cùng trả lời câu hỏi của ĐB Hàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bổ sung: “Các công trình quan trọng quốc gia là do Quốc hội quyết. Nhưng do các hồ sơ đều chưa đầy đủ nên chưa thể xem xét ở kỳ họp này".

Bộ trưởng Dũng cũng làm rõ thêm việc chậm không phải do cơ chế xin - cho.

Theo Bộ trưởng Dũng, do thủ tục thực hiện dự án thay đổi nên việc phân bổ vốn đầu tư bị chậm. Trước đây, vốn được giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ còn hiện nay, theo quy định Hiến phápm vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Theo Bộ trưởng Dũng, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.

"Trách nhiệm Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thuộc về việc phân bổ", Bộ trưởng KHĐT phát biểu. Cũng theo Bộ trưởng Dũng, trách nhiệm của Bộ KHĐT là hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn còn Bộ KHĐT có nhiệm vụ thông báo.

"Không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định", ông Dũng khẳng định.

Làm sao để thu hút nhiều đầu tư hơn?

Đưa ra vấn đề tại phiên chất vấn sáng 15/6, nhiều ĐB tập trung vào lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

ĐB Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) bày tỏ lo ngại về việc hiện nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế trên khắp cả nước vẫn còn bỏ trống hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thủ tục cho các dự án đối tác công tư (PPP) đang có vấn đề, do đó đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15.

"Việc thu hút đầu tư còn chênh lệch giữa các địa phương là do lợi thế cạnh tranh của các địa phương không bằng nhau. Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thu hút vốn tốt, nhưng một số tỉnh ĐBSCL hay Tây Bắc thì không thể bằng. Phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ đường bộ, cảng biển đến các hạ tầng chung. Phải đào tạo nguồn nhân lực, vì nhiều nơi nhân lực không đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng Dũng cho biết.

bo truong ke hoach dau tu khong co chuyen xin cho trong phan bo von
Sáng 15/6, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận định, việc thu hút FDI luôn đóng vai trò quan trọng nhưng làm thế nào để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả thì không hề dễ dàng. "Cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này", ĐB Tuyên Quang nhận xét.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít sử dụng tài nguyên, không tập trung vào lĩnh vực gia công, có biện pháp chống chuyển giá... “Qua 30 năm thu hút đầu tư, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học và đến nay cần có định hướng lại để chủ động thu hút FDI đúng hướng. Phải thận trọng trong thu hút đầu tư để thu hút công nghệ mới, mang lại hiệu quả tốt nhất. Cần chủ động hơn để thu hút vốn FDI, cải thiện năng lực cạnh tranh của các địa phương về hạ tầng, quy hoạch, cơ chế chính sách, mặt bằng... Nếu chúng ta chuẩn bị tốt sẽ có thể đón làn sóng đầu tư tốt theo đúng nhu cầu, định hướng”, Bộ trưởng Dũng nói.

'Chúng ta có tiền mà không tiêu hết'

Giải trình trước Quốc hội về giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ nhưng còn chậm, không phân bổ hết dự toán.

"Số tiền trong dự toán thì Chính phủ và Bộ Tài chính luôn bảo đảm nên chúng ta không tiêu hết được", Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

"Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, xảy ra ở địa phương nào thì chúng tôi cúng nhận trách nhiệm là của Chính phủ và hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới", ông Huệ phát biểu.

Phó thủ tướng cũng nhìn nhận phân công, phân cấp ủy quyền cho địa phương chưa quyết liệt.

"Còn tình trạng thích ôm việc của các bộ, ngành. Một số bộ thấy việc gì cũng quan trong, việc gì cũng to để Bộ làm. Việc phân cấp cho địa phương chưa quyết liệt, không thể biện minh hay chối cãi", ông Huệ nhấn mạnh. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, chưa được các Bộ xử lý nghiêm...

Để đẩy nhanh tiến độ hiệu quả đầu tư công, ông Huệ cho hay, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Tốc độ giải ngân vốn 5 tháng cuối năm 2016 gấp 7 lần so với 7 tháng đầu năm này. Còn 5 tháng đầu năm 2017, tốc độ giải ngân vốn đạt 24,7% mức đã giao, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, kết quả này vẫn bị đánh giá là chậm.

Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như yêu cầu bộ, ngành địa phương tiếp tục đấu thầu xây dựng, tăng cường phân cấp hơn nữa; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; rà soát bất cập trong văn bản pháp luật hướng dẫn; xử lý cán bộ tham mưu cáp cấp làm chạm giải ngân, gây thất thoát. "Chính phủ mong Quốc hội quan tâm, giám sát thường xuyên", Phó thủ tướng đề nghị.

Tô Đức