Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thủ tục cho các dự án đối tác công tư (PPP) đang có vấn đề, do đó đang nghiên cứu đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 15.
"Việc thu hút đầu tư còn chênh lệch giữa các địa phương là do lợi thế cạnh tranh của các địa phương không bằng nhau. Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thu hút vốn tốt, nhưng một số tỉnh ĐBSCL hay Tây Bắc thì không thể bằng. Phải tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông từ đường bộ, cảng biển đến các hạ tầng chung. Phải đào tạo nguồn nhân lực, vì nhiều nơi nhân lực không đáp ứng yêu cầu", Bộ trưởng Dũng cho biết.
![]() |
Sáng 15/6, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi. |
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhận định, việc thu hút FDI luôn đóng vai trò quan trọng nhưng làm thế nào để sử dụng nguồn vốn này hiệu quả thì không hề dễ dàng. "Cần có giải pháp căn cơ, cụ thể để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này", ĐB Tuyên Quang nhận xét.
Bộ trưởng Dũng khẳng định, Việt Nam cần phải tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhưng hướng tới các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, ít sử dụng tài nguyên, không tập trung vào lĩnh vực gia công, có biện pháp chống chuyển giá... “Qua 30 năm thu hút đầu tư, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học và đến nay cần có định hướng lại để chủ động thu hút FDI đúng hướng. Phải thận trọng trong thu hút đầu tư để thu hút công nghệ mới, mang lại hiệu quả tốt nhất. Cần chủ động hơn để thu hút vốn FDI, cải thiện năng lực cạnh tranh của các địa phương về hạ tầng, quy hoạch, cơ chế chính sách, mặt bằng... Nếu chúng ta chuẩn bị tốt sẽ có thể đón làn sóng đầu tư tốt theo đúng nhu cầu, định hướng”, Bộ trưởng Dũng nói.
'Chúng ta có tiền mà không tiêu hết'
Giải trình trước Quốc hội về giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ nhưng còn chậm, không phân bổ hết dự toán.
"Số tiền trong dự toán thì Chính phủ và Bộ Tài chính luôn bảo đảm nên chúng ta không tiêu hết được", Phó Thủ tướng cho biết.
Cũng theo Phó Thủ tướng, đây là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt được kế hoạch và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.
"Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, xảy ra ở địa phương nào thì chúng tôi cúng nhận trách nhiệm là của Chính phủ và hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới", ông Huệ phát biểu.
Phó thủ tướng cũng nhìn nhận phân công, phân cấp ủy quyền cho địa phương chưa quyết liệt.
"Còn tình trạng thích ôm việc của các bộ, ngành. Một số bộ thấy việc gì cũng quan trong, việc gì cũng to để Bộ làm. Việc phân cấp cho địa phương chưa quyết liệt, không thể biện minh hay chối cãi", ông Huệ nhấn mạnh. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, chưa được các Bộ xử lý nghiêm...
Để đẩy nhanh tiến độ hiệu quả đầu tư công, ông Huệ cho hay, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Tốc độ giải ngân vốn 5 tháng cuối năm 2016 gấp 7 lần so với 7 tháng đầu năm này. Còn 5 tháng đầu năm 2017, tốc độ giải ngân vốn đạt 24,7% mức đã giao, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, kết quả này vẫn bị đánh giá là chậm.
Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như yêu cầu bộ, ngành địa phương tiếp tục đấu thầu xây dựng, tăng cường phân cấp hơn nữa; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; rà soát bất cập trong văn bản pháp luật hướng dẫn; xử lý cán bộ tham mưu cáp cấp làm chạm giải ngân, gây thất thoát. "Chính phủ mong Quốc hội quan tâm, giám sát thường xuyên", Phó thủ tướng đề nghị.