Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ nhưng lãnh đạo lương rất cao
Tại buổi thảo luận tại tổ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và 2024 sáng 24/10, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị phải cải cách tiền lương doanh nghiệp nhà nước.
Ông nêu vấn đề hiện nay, doanh nghiệp nhà nước gặp tình trạng thua lỗ, công nhân thu nhập không có, nhưng người quản lý lương rất cao.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình trạng bất cập này là người quản lý doanh nghiệp nhà nước đang được áp dụng bảng lương khác với lao động. Vì vậy, "phải cải cách để người quản lý cùng hưởng lương như lao động, lợi nhuận cao thì lương người quản lý cũng cao và lao động cũng cao", ông Dung nói.
Bộ trưởng Dung cho hay, Nhà nước không can thiệp thang bảng lương, doanh nghiệp toàn quyền ban hành, đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu.
"Thang bảng lương ban hành cứ 3 năm tăng một lần thì người lao động cứ tằng tằng tăng lương. Do đó chị tạp vụ lương rất cao, trong khi ông kỹ sư ra trường lương rất thấp".
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lao động trong doanh nghiệp từ 1/7/2024, theo nghị quyết 27 Trung ương.
Theo Bộ trưởng, tháng 5/2018, Trung ương thông qua nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương. Đây là quyết định rất đúng, nhưng 6 đến 7 năm qua, mỗi năm chỉ điều chỉnh lương, thực ra bù vào trượt giá, chưa phải là cải cách tiền lương.
"Đây là thời điểm chín muồi. Lương là giá cả của sức lao động, đầu tư cải cách tiền lương là đầu tư của sự phát triển", ông Dung nói.
Ông Dung lấy ví dụ, lương kỹ sư ra trường 3,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn lương tối thiểu vùng thấp nhất. Trong khi đó, nguyên lý chung, lương phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Do đó, cần thực hiện chuẩn lộ trình cải cách tiền lương đề ra lần này, cùng với đó là cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Cũng thảo luận tại tổ về cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho hay nền kinh tế khó khăn nhưng chúng ta vẫn quyết tâm phải “thắt lưng buộc bụng” để đến nay có đủ 560.000 tỷ đồng phục vụ cho cải cách tiền lương đến năm 2026.
Cải cách tiền lương sẽ nâng cao đời sống cán bộ, công chức và gia đình họ, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Bảng lương theo hệ số lương hiện nay tồn tại từ năm 2004. Qua 4 lần cải cách tiền lương, chưa lần nào cải cách đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này.
Theo Bộ trưởng Trà, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và tăng GDP và đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026, nếu không nỗ lực, khó thực hiện tiếp.
Vì vậy, để có nguồn cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tăng hàng năm, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị tăng thu, tiết kiệm chi, tạo nguồn lực tài chính bền vững. Từ năm 2026 trở đi, nếu không tính đến tăng thu, tiết kiệm chi, rất khó khăn để tiếp tục trả lương theo chính sách tiền lương mới.