|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ tịch Quốc hội: Tiền lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mỗi năm sẽ tăng 5-7%

23:30 | 14/10/2023
Chia sẻ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7%.

Sáng nay, 14/10, trước thềm Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn. 

Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về cải cách tiền lương, đây là vấn đề đại sự. 

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định quan điểm "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không "hy sinh" tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", trong đó, cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7%. 

Cải cách tiền lương chính là một trong những nội dung thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Trong khi chờ tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 để góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, trong đó nêu rõ: “Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV”. 

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2024.

  Quang cảnh tiếp xúc cử tri. 

Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7%

Về nguồn lực, Chủ tịch Quốc hội thông báo "đến nay, chúng ta cũng đã chuẩn bị được khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho công tác cải cách chính sách tiền lương". 

Từ nay cho đến thời điểm dự kiến thực hiện ngày 1/7/2024 cần tập trung hoàn thiện vị trí việc làm, chức danh, chức vụ công tác làm cơ sở cho việc cải cách tiền lương.

Chủ tịch nhấn mạnh, tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất.

Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/7/2024, các cơ quan hữu quan đang tập trung để hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương…

Phải tăng cường công tác giám sát việc thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức

Trao đổi cụ thể về các kiến nghị, đề xuất của cử tri quận Đồ Sơn, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ băn khoăn, lo lắng của cử tri liên quan đến tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, không dám làm, không muốn làm; đồng thời nhất trí cho rằng, phải tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp đối với việc thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, có thể cần nghiên cứu, đề xuất Quốc hội giám sát tối cao về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, ngay tại Kỳ họp tới, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và và Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. 

Hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai theo tinh thần kỹ lưỡng nhất

Tiếp thu các ý kiến của cử tri về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), công tác quản lý đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung chính sách phức tạp, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, nhất là tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và trí tuệ tập thể.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật này theo quy trình tại 3 Kỳ họp. Tuy nhiên, hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đang quyết liệt chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật theo tinh thần kỹ lưỡng nhất, không chạy theo tiến độ mà phải bảo đảm cao nhất chất lượng dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

PV