Dành 78.000 tỷ đồng tăng thu ngân sách bổ sung vào nguồn cải cách tiền lương
Một trong những nội dung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ở phiên họp thứ 27 diễn ra sáng 11/10 là việc dành 78.000 tỷ đồng bổ sung nguồn cải cách tiền lương từ nguồn tăng thu ngân sách.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư. Trong số này có nguồn rất lớn là 78.000 tỷ đồng bổ sung nguồn cải cách tiền lương.
Về một số vấn đề khác, Chủ tịch Quốc hội nêu, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai nội dung, thứ nhất là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Hai là dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Dự thảo thứ nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật trình Quốc hội. Còn dự thảo thứ hai chưa đủ điều kiện trình Quốc hội nên cần tiếp tục xem xét kỹ ở phiên họp này.
Phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Ngay trong buổi họp đầu tiên của phiên họp, sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023.
Trước đó, Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý cán bộ, công chức gửi các đại biểu Quốc hội.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
Thông tin tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết trong những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.
Đánh giá đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện phương án cải cách tiền lương khi được Trung ương thông qua. Thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng đã tập trung triển khai kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Sắp tới Bộ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, khóa XV 4 văn bản, đề án trong đó có báo cáo công tác quản lý cán bộ, công chức và báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương.