Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: 'Nhiều quốc gia bất động sản cũng sụt giảm mạnh, gây rủi ro lên tài chính, tiền tệ'
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra sáng 3/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết,trong tháng, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga - Ukraine và phản ứng của các nước lớn.
Lạm phát tuy đã giảm dần nhưng duy trì mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dự báo khả năng các nước thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ; tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm cùng tăng trưởng thấp tại nhiều nền kinh tế.
Bộ trưởng cho biết, tại một số quốc gia, thị trường bất động sản sụt giảm mạnh, tác động trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất; gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp,...
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu khả quan, sẽ tác động tới giá dầu thế giới, có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát toàn cầu, gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa của các nước ASEAN, nơi có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các công việc được giao ngay sau Tết, thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong sản xuất kinh doanh.
Theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia,…
Cũng như, kiểm tra, đôn đốc tiến độ tại hiện trường các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn; đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch; tích cực hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5… khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Standard Chartered dự báo GDP Việt Nam 2023 đạt 7,2%
Theo Bộ trưởng, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao. Trong đó, IMF kỳ vọng Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2%....
Nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered,… tiếp tục đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định, an toàn các thị trường tài chính, tiền tệ.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); thực hiện ba đột phá chiến lược, các định hướng lớn…