|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường bất động sản vận hành tốt'

07:46 | 02/03/2023
Chia sẻ
Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) theo nguyên tắc nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt; bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững,...

(Ảnh minh họa: H.H).

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27 về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023.

Trong đó, liên quan đến Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật.

Tuy nhiên, phải bảo đảm làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Công chứng..., phù hợp với nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững; đồng thời cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của nhà nước khi cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế", Nghị quyết nêu rõ.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường, công bằng xã hội.

Rà soát các quy định pháp luật của dự thảo Luật về: hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản,... bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư,... 

Trước đó, sáng 17/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. 

Theo đánh giá của Thủ tướng, có 6 nhóm vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản hiện nay. Thứ nhất là cung cầu lệch pha, quá tập trung cho các phân khúc cao cấp mà ít quan tâm tới phân khúc trung bình dành cho đối tượng thu nhập thấp.

Thứ hai là giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người khi phải mất một năm thu nhập bình quân đầu người mới mua được 2 m2 nhà ở cao cấp.

Thứ ba, phản ứng chính sách của các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) còn chậm.

Thứ tư là những vướng mắc về pháp lý. Thứ năm là nguồn vốn còn khó khăn (tín dụng, trái phiếu, các nguồn khác). Thứ sáu, quy hoạch các dự án, điều chỉnh cơ cấu các dự án chậm. Thứ bảy, cán bộ một số nơi, một số lúc còn ngại trách nhiệm, không dám làm.

Thứ tám, các doanh nghiệp chưa thực sự linh hoạt, xử lý kịp thời các vướng mắc do chính mình gây ra,...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng.

Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả,… Đồng thời, doanh nghiệp xem xét cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

"Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nói.

An Dương