Doanh nghiệp địa ốc đồng loạt xin gỡ vướng dự án, địa phương vào cuộc
Ngày 15/2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với các Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của 19 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản về vướng mắc tại 116 dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Tiếp đó, ngày 20/2, lãnh đạo UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành, chủ đầu tư nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 7 dự án trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, gồm: Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp đường Bến Nghé (phường Tân Thuận Đông, quận 7); Khu liên hợp Thể dục Thể thao và Dân cư Tân Thắng (phường Tân Kỳ, quận Tân Phú); Chung cư Cửu Long (số 1 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4); Khu phức hợp Sóng Việt (công trình tại lô đất 1-7, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức); Khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP Thủ Đức); Dự án 30,2 ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức) và Chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1).
Trong đó, Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng tại Tân Phú đang được Gamuda Land triển khai Khu đô thị Celadon City (gần Aeon Mall Tân Phú). Khu Phức hợp Sóng Việt (The Opera Residence) là phân khu 3 thuộc dự án cao cấp The Metropole Thủ Thiêm do công ty thuộc Sơn Kim Group làm chủ đầu tư.
Hai dự án 30,2 ha (tên thương mại làThe Water Bay) và Chung cư Cô Giang (tên thương mại là Grand Manhattan) do CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) làm chủ đầu tư.
Lãnh đạo TP HCM cho biết đã ghi nhận vướng mắc của các dự án và sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đưa ra phương án xử lý cho các dự án.
Tại Kiên Giang, ngày 23/2, lãnh đạo tỉnh cũng có buổi làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn TP Phú Quốc.
Tại buổi làm việc, đại diện THG TaekWang Vina đề nghị thực hiện điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp TaekWang Phú Quốc. Đại diện CTCP 99 Núi cho rằng, việc Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc đã bàn giao đất sạch cho công ty vào năm 2016 nhưng nay lại áp dụng giá đất năm 2022 để tính tiền sữ dụng đất cho công ty là không hợp lý.
Về phương án bồi thường đất tại các dự án, CTCP Tập đoàn CEO (CEO Group) đề nghị tỉnh sớm phê duyệt giá đất bồi thường của năm 2023 theo hướng giữ nguyên giá năm 2022. Trên cơ sở đó, UBND thành phố Phú Quốc mới sớm thẩm định, phê duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ phần còn lại và tiến hành các thủ tục giao đất cho Tập đoàn CEO triển khai dự án.
Ngoài ra, doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh giao đất dự án Khu biệt thự cao cấp Sonaga Residences cho Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép tiếp tục lập Quy hoạch phân khu phức hợp Bãi Trường song song với quy hoạch chung.
Đại diện CityLand kiến nghị ưu tiên phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, hỗ trợ năm 2023 cho dự án trọng điểm để kịp thời hoàn thiện phương án bồi thường tổ chức thẩm định và phê duyệt.
Bên cạnh đó, dự án Rạch Tràm là dự án có diện tích cần bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc dự án lớn đang triển khai trên địa bàn TP Phú Quốc. Do đó, doanh nghiệp này mong muốn và kiến nghị UBND tỉnh quan tâm dự án Rạch Tràm như là một dự án trọng điểm của khu vực Bắc đảo và hỗ trợ chỉ đạo tập trung nguồn lực đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư để triển khai dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan phối hợp với UBND TP Phú Quốc rà soát lại các cơ sở pháp lý, chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực dự án.
Ông Thành cũng đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ, khẩn trương các giải pháp để triển khai sớm các bước phê duyệt giá đất, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường trong năm tránh kéo dài qua năm tiếp theo. Tiếp tục thực hiện việc lập Quy hoạch chung và Quy hoạch phân khu theo đúng trình tự thủ tục theo quy định.
Về phía các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND TP Phú Quốc kịp thời trao đổi, nắm thông tin các trường hợp cần xử lý dứt điểm để giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án theo đúng tiến độ,...
Tập trung gỡ vướng pháp lý
Ngay sau khi Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững" được tổ chức, Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ cho lĩnh vực này.
Theo đó, liên quan đến các việc tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương, Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.
Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.
Đồng thời, tăng cường thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường.
Khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và việc ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án làm cơ sở để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo quy định.
Chỉnh phủ cũng giao các địa phương chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), thị trường bất động sản quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực khi cơ quan quản lý triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ bằng nhiều văn bản quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp đảm bảo được “sức khỏe” thông qua việc cơ cấu, căn chỉnh và triển khai các dự án nhằm chuyển giao nhanh chóng và hấp thụ dễ hơn.
Trong quý II/2023, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở gồm: Các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, một bộ cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản đang được bàn luận. Bộ này sẽ lấy kinh nghiệm từ thực tiễn, gặp mặt các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm vấn đề. Bên cạnh đó là tham khảo những kinh nghiệm quốc tế,...
Ngoài ra, ông Lực cho rằng, nếu tháo gỡ được vấn đề trước mắt là pháp lý thì ngay lập tức hàng trăm dự án được giải toả và dòng tiền từ đó mà ra. Quan trọng hơn, pháp lý là niềm tin, tháo gỡ sẽ củng cố niềm tin một cách mạnh mẽ. Một minh chứng là sau Hội nghị vừa qua, các địa phương đã vào cuộc mạnh mẽ hơn, trong đó TP HCM đã có ít nhất ba cuộc họp.