Bộ trưởng Bộ Công Thương: Không để thất thoát dự án nghìn tỉ Nhiệt điện Thái Bình 2
Đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình diễn ra chiều ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Không có lí do gì mà chúng ta lại để thất thoát tài sản, thất thoát nguồn lực đầu tư lớn như vậy, nhất là khi dự án có điều kiện để hoàn thành".
Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, phải cứu dự án này, nhưng để làm được điều đó thì cần sự phối hợp chặt chẽ của Bộ với Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, với các Bộ, ngành liên quan và địa phương.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ giải quyết các đề xuất của Thái Bình trong thời gian sớm nhất. Ảnh: Bộ Công Thương |
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất trong tháng 3, Bộ Công Thương sẽ cử Đoàn công tác của Bộ về làm việc cụ thể với địa phương về những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh liên quan đến lĩnh vực Công Thương, trong đó có nội dung liên quan đến Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc khuyến khích địa phương phát triển đa dạng các nguồn lực kinh tế cũng như sự tích cực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để có hướng xử lý vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 thời gian tới.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án lớn, có công suất 1.200 MW. Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia làm chủ đầu tư, hiện mới đạt khoảng 83% khối lượng, tiến độ.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Đoàn công tác đã tham dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Sau thời gian hơn 4 năm thi công, xây dựng, lắp đặt các thiết bị, cả hai tổ máy của nhà máy đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 4/2018. Dự kiến, mỗi năm nhà máy sẽ phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện 3,6 - 3,9 tỉ kWh. Tổng mức đầu tư của dự án là 26.500 tỉ đồng (tương đương với 1,27 tỉ USD), trong đó vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, còn lại 15% là vốn đối ứng của EVN. |
Xem thêm |