Dự báo giá heo hơi ngày 26/2: Đà tăng tại nhiều địa phương chưa có dấu hiệu dừng lại
Thị trường heo hơi phía Nam liên tục lập đỉnh mới
Sáng ngày 25/2, giá heo hơi tại khu vực miền Bắc bất ngờ lặng sóng, đồng loạt giữ giá đi ngang trong khoảng 71.000 - 73.000 đồng/kg.
Trong đó, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình là những địa phương có giá heo hơi cao nhất khu vực, đạt 73.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, heo hơi chạm giá 77.000 đồng/kg tại Lâm Đồng và Bình Thuận. Tại các địa phương còn lại trong vùng, giá heo hơi không ghi nhận điều chỉnh mới.
Hiện tại, heo hơi tại khu vực này được thương lái thu mua trong khoảng 71.000 - 75.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, giá heo hơi tiếp tục bật tăng nhanh, xuất hiện mức 78.000 đồng/kg tại các tỉnh: Đồng Nai, Vũng Tàu, Vĩnh Long và Bến Tre. Các tỉnh, thành phố khác trong khu vực cũng đồng loạt tăng 1 - 2 giá.
Theo đó, heo hơi tại khu vực này hiện có giá bán dao động từ 76.000 - 78.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tiếp đà tăng tại miền Trung và miền Nam, đi ngang tại miền Bắc. Hiện tại, thương lái trên cả nước thu mua heo hơi trong khoảng 71.000 - 78.000 đồng/kg.
Với những lần điều chỉnh liên tiếp được ghi nhận, các chuyên gia dự báo giá heo hơi tại nhiều địa phương chưa có dấu hiệu ngừng tăng.
Long An khuyến cáo người dân đề phòng dịch bệnh khi tái đàn vật nuôi
Báo Long An đưa tin, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có hơn 62.370 hộ/cơ sở chăn nuôi. Trong đó, có 1.022 trang trại, chiếm 1,6%, còn lại là chăn nuôi nông hộ.
Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện tái đàn để phục vụ thị trường.
Theo khuyến cáo của bà Lê Thị Mai Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, thời tiết sau tết diễn biến khá phức tạp, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn là điều kiện để các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát.
Do đó, cùng với tái đàn, phát triển chăn nuôi, người dân cần chủ động, tích cực theo dõi, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được hướng dẫn và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là tại các khu vực từng xảy ra dịch, khu vực có nguy cơ cao.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tác hại của dịch bệnh, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh,... để người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng ngừa cho đàn vật nuôi.