|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Tài chính dự thảo nhiều thay đổi về cổ phần hóa DNNN

07:51 | 11/08/2016
Chia sẻ
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần (CTCP).

Giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 478 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, trong đó có nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có quy mô vốn lớn.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá DNNN theo các quy định hiện nay như Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ vẫn còn lớn ở nhiều doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hoá có quy mô vừa và lớn, tài chính phức tạp, hoạt động những lĩnh vực đặc thù nên thời gian cổ phần hoá kéo dài.

Một số doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù khi cổ phần hóa nhưng chưa được quy định cụ thể (như việc sử dụng kết quả xác định lại giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm cơ sở xây dựng giá khởi điểm mà không điều chỉnh lại sổ sách kế toán tại Tổng công ty Hàng không, Tập đoàn Cao su, Công ty Cao su Tân Biên…).

Bước sang giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho biết cổ phần hóa tiếp tục là trọng tâm trong việc tái cơ cấu DNNN. Đối tượng được mở rộng tới các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước lớn đòi hỏi phải có các cơ chế hướng dẫn hoàn chỉnh, xử lý dứt điểm tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp, định giá sát với giá thị trường, bán cổ phần công khai, minh bạch…

Vì vậy, một số nội dung tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP cần được được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với văn bản mới được ban hành và có hiệu lực như: Luật doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Cơ chế bán cổ phần cho NĐT chiến lược còn bất cập do NĐT chiến lược có nghĩa vụ phải cung cấp nhiều nguồn lực theo cam kết nhưng lại hạn chế không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, chưa có quy định chế tài xử lý NĐT không thực hiện đúng cam kết...

Mặt khác, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP đã không còn quy định tỷ lệ khống chế số cổ phần bán cho NĐT chiến lược (theo Nghị định 59/2011/NĐ- CP thì tỷ lệ cổ phần bán cho NĐT chiến lược không vượt quá 50% số cổ phần bán ra bên ngoài).

Như vậy, các NĐT nếu cần mua cổ phần sẽ thực hiện tham gia đấu giá mà không cần phải tiến hành các thủ tục xây dựng tiêu chí lựa chọn, xây dựng các cam kết để trở thành NĐT chiến lược; sau khi mua cổ phần, NĐT sẽ căn cứ tỷ lệ vốn góp để tham gia quản trị doanh nghiệp theo điều lệ CTCP.

Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Nghị định điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược. Trường hợp chỉ có 1 NĐT chiến lược đăng ký mua thì không tổ chức bán thỏa thuận cho NĐT chiến lược mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các NĐT thông thường khác.

Việc bán cổ phần cho NĐT chiến lược phải thực hiện đấu giá giữa các NĐT chiến lược với nhau trên Sở giao dịch chứng khoán và thực hiện bán đấu giá sau cuộc đấu giá công khai (không áp dụng hình thức bán trước cho NĐT chiến lược và bỏ quy định mức khống chế số lượng tối đa 3 NĐT chiến lược tại mỗi doanh nghiệp).

Về xử lý cổ phần không bán hết, theo quy định cũ số cổ phần không bán hết sẽ được chào bán cho NĐT đã thực hiện đấu giá theo phương thức thỏa thuận. Đồng thời cho phép bán trước cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn.

Để phù hợp với tình hình thực tế, Nghị định thay thế hướng dẫn việc xử lý số cổ phần chưa bán được sẽ bán cho người lao động và công đoàn doanh nghiệp, đồng thời thực hiện thủ tục chuyển sang CTCP. Số lượng cổ phần chưa bán được sẽ được điều chỉnh lại vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ và thực hiện thoái vốn sau khi doanh nghiệp đã hoạt động dưới hình thức CTCP.

Trường hợp chỉ có 1 NĐT đăng ký mua, Ban chỉ đạo cổ phần hóa thực hiện thỏa thuận bán cổ phần cho NĐT đã đăng ký với giá bán không thấp hơn giá khởi điểm với khối lượng đã đăng ký mua hợp lệ. Nếu NĐT không mua, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện theo quy định bán cho người lao động nêu trên.

Trường hợp bán được một phần trong cuộc đấu giá công khai, số lượng cổ phần chưa bán sẽ được thông báo đến các NĐT đã tham gia đấu giá hợp lệ để bán thỏa thuận bán cho các NĐT này theo đúng khối lượng đã đăng ký và mức giá đã đặt mua tại phiên đấu giá, theo nguyên tắc lựa chọn giá thỏa thuận từ mức giá đã trả cao nhất xuống mức thấp của cuộc đấu giá đã công bố trở xuống cho đủ số lượng cổ phần còn phải bán. Nếu không bán hết cổ phiếu cho các NĐT sau khi đã thỏa thuận, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện theo quy định bán cho người lao động.

Tiến Vũ