Bộ NN&PTNT kêu gọi không găm hàng, nhiều ông lớn chăn nuôi ráo riết tăng đàn heo
C.P tăng thêm 5% lượng con nái
Tại Hội nghị "Triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi", ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết hiện tại, số lượng heo nái của công ty tăng 5% so với cùng kì năm ngoái lên 265.000. Số lượng con giống ông bà, cụ kị là 54.500 con.
Bên cạnh đó, nguồn cung thịt heo trong tháng 12 là khoảng 500.000 con. Trung bình công ty xuất khoảng 16.000 con/ngày.
Theo ông Tuấn, trước đó, người dân quay lưng với thịt heo nhưng sau khi tuyên truyền người tiêu dùng mua heo trở lại. Thời gian vừa rồi, C.P cung cấp tối đa khả năng của mình.
Ông Tuấn cho hay vừa qua C.P cũng tư vấn cho các trang trại chăn nuôi là khách hàng của công ty tăng đàn có kiểm soát, an toàn sinh học.
Công ty khuyến khích các trại an toàn, tăng qui mô và có chính sách hỗ trợ. Đối với trang trại đã bị dịch tả heo châu Phi trước đó, công ty khuyến cao nên thận trọng.
Đại diện của C.P cho rằng thực tế nuôi heo có trọng lượng lớn là cần thiết nhưng không nên to quá.
"Nếu heo có trọng lượng 130 – 140 kg thì không nên do sức đề kháng của con heo đã giảm, nguy cơ dịch bệnh cao", ông Tuấn nói.
Dự kiến lượng heo thịt thường xuyên của Dabaco đạt 250.000 con vào quí IV/2020
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết công ty đang tiếp tục duy trì và tăng đàn.
"Tính đến thời điểm này, sau khi được chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Chính phủ, cơ bản chúng tôi giữ được đàn heo và có xu hướng tăng lên. Chúng tôi tìm đất ở các tỉnh miền núi, trung du tăng đàn", ông Tuế cho biết
Theo ông Tuế, trước dịch, số lượng heo nái của công ty là 40.000 con, hiện nay, con số này đã tăng 7,5% lên 43.000 con. Tương tự, số lượng heo thịt tăng từ 200.000 con thời điểm trước dịch lên 230.000 con.
Dự kiến đến quí IV/2020 số lượng heo nái đạt 45.600 con, lượng heo thịt có mặt thường xuyên là 250.000 con.
Tuy nhiên, ông Tuế chỉ ra trong quá trình mở rộng, việc tìm đất ngày càng khó khăn.
"Tới đây luật chăn nuôi thi hành, nhiều trang trại cũ của chúng tôi nằm trong vùng cấm. Chúng tôi tích cực vào Quảng Trị tìm miếng đất 110 ha để làm trang trại", ông Tuế nói.
Mavin sẽ tăng thêm 20% heo thịt
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho biết hiện nay, con giống hạt nhân xấp xỉ 30.000 con trong đó nái là 23.000 con và đàn ông bà, cụ kị là 6.000 con.
"Chúng tôi đang có kế hoạch tăng đàn nái. Dự kiến đến quí II/2020 số heo đạt khoảng 40.000 con nái và hệ thống trang trại đang được xây dựng", ông Lương cho biết.
Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cho biết nguồn cung heo thịt của tập đoàn khoảng 1.000 con/ngày. Tuy nhiên, trong tháng 1 và tháng 2 năm sau, Mavin sẽ tăng thêm khoảng 20%.
"Việc tăng nguồn cung thịt heo không phải do Tết mà chúng tôi đã có kế hoạch từ trước, dự kiến vào năm 2020, Mavin sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 420.000 con heo thịt", ông Lương cho biết.
Bộ NN&PTNT kêu gọi doanh nghiệp không nên "găm hàng"
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Đến nay, phải công bằng nhìn nhận sự thành công trong ngành chăn nuôi, đặc biệt các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, là nhờ thị trường tiêu thụ lớn với 100 triệu dân, có mức tiêu thụ thịt heo chiếm cơ cấu rất cao, tới 60 - 70%".
Bộ trưởng cũng kêu gọi trong bối cảnh khó khăn của chăn nuôi heo hiện nay, các doanh nghiệp phải lấy tinh thần chia sẻ, có trách nhiệm với thị trường, không cố tình găm hàng đẩy giá để thu lợi cho riêng mình trong ngắn hạn.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các bộ ngành, địa phương thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá các mặt hàng thực phẩm, nhất là giá thịt heo để người sản xuất và người tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao bất thường.