Người nuôi gia cầm cũng khốn đốn vì dịch tả lợn
“Tôi mất khoảng 400.000 nhân dân tệ (57.000 USD) khi một phần ba đàn lợn chết hồi năm ngoái. Giờ đây, tôi đang có nguy cơ mất tiếp 200.000 nhân dân tệ (28.500 USD) từ những con gà này. Toàn bộ tiền tiết kiệm cả đời tôi đã bốc hơi”, Mo Bangmin nói với SCMP, đan xen với tiếng vịt và ngỗng kêu từ một chuồng gần đó.
Mo đã ngoài 50 tuổi, nghỉ việc nhà máy và chuyển sang nuôi lợn từ khoảng 30 năm trước. Ông là một trong những nông dân phải chuyển sang nuôi gà sau khi dịch tả lợn Châu Phi tàn phá Trung Quốc, xóa sổ khoảng nửa tổng đàn.
Nguồn cung lợn giảm và giá thịt trong tháng 11 tăng 110,2% so với cùng kỳ năm trước, đẩy chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc lên đỉnh 8 năm. Giá bán tăng buộc nhiều người dân Trung Quốc phải chuyển sang các sản phẩm thay thế rẻ hơn như thịt gà, thậm chí là thịt chó.
Tuy nhiên, với nhiều nông dân nuôi lợn như Mo, chuyển hướng sang gia cầm chưa chắc đã là lựa chọn tốt như kỳ vọng ban đầu.
Trong khi số liệu cho thấy giá thịt gà bán lẻ tăng 23%, giá trứng tăng 29% trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11, việc gia tăng sản lượng từ những nông dân chuyển hướng lại đẩy giá bán tại trang trại xuống đáy.
“Mọi người nghĩ nông dân nuôi gà đang phát tài”, nông dân họ Chen nói. “Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là những người thầm lặng chịu thiệt hại trong khi các thương lái bán buôn lãi lớn”.
Chen đã nuôi gà được hơn 10 năm. Theo ông, do nhiều người nuôi lợn thiếu kinh nghiệm nuôi gia cầm, chất lượng gia cầm của họ thường kém và chỉ cần bán giá thấp.
Điều đó “tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành”, Chen chia sẻ, cho biết thêm rằng mức giá ông được chào bán còn thấp hơn giai đoạn cúm gia cầm bùng phát ở Trung Quốc. Chen nuôi khoảng 100.000 con gà và bán gà giống tại trang trại ở ngoại ô Phật Sơn, thành phố lân cận thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông.
“Nông dân nuôi lợn đổ dồn sang ngành nuôi gà do tả lợn châu Phi. Họ mua gà con liên tục, đẩy giá gà con lên cao chưa từng thấy”.
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát vào thời điểm không thể tệ hơn đối với Mo. Ông vừa thuê một khu đất với giá 65.000 nhân dân tệ (9.300 USD) một năm, xây hai chuồng lợn với số tiền 300.000 nhân dân tệ (43.000 USD).
Mo buộc phải di chuyển sâu vào vùng ngoại ô để tránh chương trình môi trường quốc gia của Trung Quốc, đã khiến hàng trăm nghìn trang trại vừa và nhỏ phải đóng cửa.
“Khoảng 160 con lợn của tôi chết. Tôi bán 450 con còn lại khi chúng vẫn còn sống”, Mo chia sẻ. “Tôi phải tự đào hố và chôn hơn chục con lợn mỗi ngày. Tóc vợ tôi bạc thêm qua từng đêm”.
Mo vẫn có chút lãi khi bán lứa gà đầu tiên vào tháng 9. Tuy nhiên, lứa thứ hai và thứ ba lại trở thành thảm họa, với giá thương lái chào mua giảm từ 18 nhân dân tệ/kg xuống còn 10 nhân dân tệ/kg.
“Gà con có giá 8 nhân dân tệ, tiền thức ăn trung bình cho mỗi con gà là 16 nhân dân tệ. Tôi dự kiến bán sau 65 ngày nhưng 90 ngày sau đó vẫn chưa thể cho chúng xuất chuồng. Cuối cùng, tôi chấp nhận bán lỗ 10.000 con gà hôm 24/12”.
Lượng thịt gia cầm tiêu thụ bình quân đầu người tại Trung Quốc tăng từ 8kg trong năm 2014 lên 9kg vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hà Lan dự báo con số trên sẽ tăng lên 11,4 kg/người vào năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hàng năm ước tăng hơn 3 triệu tấn trong năm nay.
Tại Phật Sơn, Chen Chunhua cũng rơi vào tình cảnh tương tự như Mo, sau khi hơn nửa đàn lợn của cô chết vì dịch.
“Tim tôi như tan vỡ khi phải chôn những con lợn bệnh. Chúng vẫn còn sống khi tôi lấp đất. Tôi không thể ăn gì suốt nhiều ngày sau đó”, cô nhớ lại.
Chen mới chỉ hơn 30 tuổi, là một trong những người trẻ tuổi không muốn làm việc tại nhà máy vì “mất tự do”. Cô chọn nuôi gà trong các chuồng lợn cũ. Hồi đầu tháng 12, cô bán gần như toàn bộ đàn gà 40.000 con, chỉ giữ lại 30 con để ăn vào Tết Âm lịch.
Vừa lật nhanh các trang sổ, Chen vừa nhẩm tính đã lỗ khoảng 20.000 nhân dân tệ, tương đương 20% thu nhập hàng năm của chồng cô – làm lái xe tải cho nhà máy gần đó.
“Ngày đầu tiên, thương lái chào mua với giá 11,6 nhân dân tệ/kg. Ngày hôm sau, khi anh ta tới nhận gà, giá giảm còn 11,2 nhân dân tệ. Tôi không kìm được nước mắt bởi tôi vốn đã lỗ vốn rồi”, Chen nói. “Giống gà này thường có giá ít nhất 30 nhân dân tệ/kg tại chợ. Chúng tôi buộc phải bán khi chúng còn dưới 4kg, nếu không sẽ rất khó”.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp để giúp người nuôi lợn đối phó với ảnh hưởng từ tả lợn Châu Phi, từ trợ giá, vay lãi thấp, bảo hiểm cho lợn, mở quỹ đất cho thuê. Giới phân tích nhận định phải mất nhiều năm, Trung Quốc mới khôi phục lại đàn lợn.
Mo và vợ mong sớm có thể nuôi lợn trở lại. Tuy nhiên, đầu tư vào gà đã khiến họ mất số tiền dành dụm cả đời. Họ không thể mua lợn giống, đặc biệt là khi giá lợn giống đã tăng 4 lần trong một năm rưỡi qua.
“Chúng tôi không còn gì để bắt đầu lại”, Mo nói.