|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Giao thông Vận tải nói gì về kiến nghị tăng chu kỳ kiểm định xe vận tải và miễn giảm phí đường bộ?

20:54 | 17/06/2021
Chia sẻ
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội taxi 3 miền kiến nghị về chính sách hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Bộ Giao thông Vận tải nói gì về kiến nghị tăng chu kỳ kiểm định xe vận tải và miễn giảm phí đường bộ? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo Tin tức).

Đáng chú ý liên quan đến kiến nghị của các đơn vị trên có đề xuất tăng thời hạn kiểm định xe kinh doanh vận tải đối với chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải (theo quy định hiện hành chu kỳ đăng kiểm lần đầu với loại xe này là 18 tháng, chu kỳ kế tiếp sẽ là 6 tháng/lần). 

Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tham mưu để hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 

Chu kỳ kiểm định của ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải sẽ được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.

Liên quan đến đề xuất miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết năm nay, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 của Bộ Tài chính cho phép giảm mức thu phí sử dụng đường bộ từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2021.

"Việc xem xét, đề xuất cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện Thông tư số 112/2020/TT-BTC hoặc cho phép miễn nộp phí sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. 

Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với Bộ Tài chính để góp ý nội dung sửa đổi Thông tư 112/2020/TT-BTC và các Thông tư liên quan nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch COVID-19 do Bộ Tài chính chủ trì", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Đối với đề xuất có chính sách, cơ chế phù hợp để các nhà đầu tư BOT giảm phí sử dụng đường bộ theo Thông tư số 112/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Thông tư số 112/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức phí sử dụng đường bộ (phí thu trên đầu phương tiện) đối với xe ô tô kinh doanh vận tải của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải, hộ kinh doanh vận tải. 

Việc thu phí dịch vụ đường bộ không thuộc đối tượng quy định tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC, do đó các nhà đầu tư không phải thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư này.

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, một số dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đã thực hiện giảm phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Đồng thời giảm phí sử dụng đường bộ đối với các vùng lân cận trạm thu phí và một số dự án BOT chưa được xem xét tăng giá sử dụng đường bộ mặc dù đã đến thời điểm tăng giá trong 3 năm gần đây.

"Các nhà đầu tư BOT cũng là các doanh nghiệp và cũng đều chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do giảm lưu lượng phương tiện lưu thông qua trạm làm giảm doanh thu ảnh hưởng đến khả năng cân đối tài chính của doanh nghiệp; phát sinh tăng chi phí lãi vay và chi phí hoạt động của doanh nghiệp", đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Quang Toàn