|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về vụ tiêu cực liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước

21:08 | 19/02/2022
Chia sẻ
Bộ Giao thông Vận tải không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "giải cứu", chuyến bay "combo".
Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về vụ tiêu cực liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ: CTV/Vietnam+).

Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông cáo báo chí về việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Bộ Công an liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước, theo TTXVN.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết ngày 19/2, một số cơ quan thông tấn báo chí có thông tin về việc Cơ quan Điều tra, Bộ Công an gửi công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Ngay sau khi nhận được đề nghị của Cơ quan Điều tra, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổng hợp và báo cáo các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan Điều tra, Bộ Công an.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định không được giao trách nhiệm trong việc đánh giá, tổng hợp nhu cầu, phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay "giải cứu", chuyến bay "combo".

Thông cáo báo chí của Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết ngành giao thông vận tải tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức các chuyến bay một cách sớm nhất nhằm đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng được về nước của bà con.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Ngoại Giao, Bộ Công an, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng trong công tác bảo hộ công dân, tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nhu cầu về nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Bộ Giao thông Vận tải với vai trò là cơ quan phối hợp, chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai phép bay, kế hoạch phục vụ bay cho các chuyến bay theo Kế hoạch giải cứu công dân được Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phê duyệt trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành liên quan.

Đây là quy trình bắt buộc theo pháp luật về hàng không và thông lệ quốc tế đối với tất cả các chuyến bay.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm thông báo, hướng dẫn các hãng hàng không, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu trong, ngoài nước và doanh nghiệp khai thác cảng hàng không triển khai thực hiện kế hoạch bay cũng như các quy định phòng chống dịch COVID-19 trên các chuyến bay và tại các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay.

Cũng trong ngày hôm nay (19/2), Cơ quan điều tra Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay "giải cứu" công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Trong văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào?

Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông Vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay "combo", "giải cứu".

Trước đó, ngày 28/1, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) cùng 3 người tại Bộ này là Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Cả 4 người đều bị điều tra tội "Nhận hối lộ". Các bị can này bị cáo buộc có hành vi "trục lợi cá nhân" khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.

Phương Nga

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).