|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ Công Thương khuyến cáo lừa đảo khi làm ăn ở Trung Đông, Châu Phi

15:56 | 18/08/2016
Chia sẻ
"Lừa đảo trong các cuộc làm ăn giữa doanh nghiệp Việt Nam ở Trung Đông và Châu Phi khá nhiều. Chủ yếu là lừa không trả tiền hàng đã xuất khẩu" - Phó Vụ trưởng Lê Thái Hòa chia sẻ tại hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Đông - Châu Phi được Bộ Công Thương tổ chức sáng nay.
bo cong thuong khuyen cao lua dao khi lam an o trung dong chau phi
Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần thận trọng khi kinh doanh ở châu Phi, Trung Đông

Hiện nay, xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - Châu Phi đang được đẩy mạnh do các doanh nghiệp Việt Nam rất cần thị trường xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á - Lê Thái Hòa, nhiều doanh nghiệp tại các khu vực trên đã lợi dụng tình hình này để lừa đảo.

Phổ biến nhất là lừa đảo không thanh toán tiền cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt khi ở Châu Phi, các doanh nghiệp không có thói quen sử dụng thanh toán L/C được đảm bảo bởi các ngân hàng của nhà nhập khẩu mà thường sử dụng phương pháp thanh toán D/P nhờ thu qua ngân hàng hoặc thanh toán bằng hình thức trả chậm. Ở Trung Đông cũng xảy ra tình trạng tương tự - ông Lê Thái Hòa cho biết.

Ông Hòa ví dụ có trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài lừa lấy toàn bộ chứng từ gốc của doanh nghiệp Việt Nam sau đó từ chối chuyển tiền. Hoặc doanh nghiệp nước ngoài hứa trả chậm sau đó lừa nhận đủ hàng rồi biến mất khỏi thị trường.

Cá biệt, có trường doanh nghiệp bị làm giả địa chỉ email để lừa đối tác làm ăn chuyển tiền làm mất uy tín của doanh nghiệp Việt và ngược lại.

Ngoài ra, đối với cả 2 thị trường này, doanh nghiệp cũng có thể gặp một vài rủi ro khi kí kết hợp đồng do giới doanh nghiệp địa phương chưa thực sự chuyên nghiệp. Hợp đồng chưa được soạn thảo một cách chặt chẽ. Một vài trường hợp xác nhận đơn hàng chỉ thông qua thao tác xác nhận trên email. Hoặc hợp đồng đã kí kết nhưng bị ép buộc thay đổi điều khoản, không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, những rủi ro về chính trị xã hội tại một số khu vực gây trở ngại cho doanh nghiệp làm ăn tại đây. Doanh nghiệp gặp phải cú sốc về văn hóa bởi một số nước ở đây chủ yếu theo đạo Hồi. Người Châu Phi và Ả rập thích nhận biết tận mắt sản phẩm mua bán nên thường đòi tiếp xúc trực tiếp với người bán và mẫu hàng.

Để hạn chế các rủi ro, ông Nguyễn Liên Phương - Giám đốc Học viện Doanh nhân Việt Nam chia sẻ một vài kinh nghiệm. Theo đó, khi làm ăn với các nước Châu Phi và Trung Đông, doanh nghiệp bắt buộc nhận được tiền đặt cọc 50% mới được chuyển hàng. Bởi có một số mặt hàng đặc thù không bán đi đâu khác được. "Phải xem xét kí giấy phép kinh doanh của đối tác. Khi kí hợp đồng phải đủ 2 điều kiện: giấy phép kinh doanh và nhận tiền đặt cọc ít nhất 50%", ông Phương nói.

Ông Phương cũng gợi ý tìm hiểu kĩ đối tác và chọn nơi làm ăn có luật pháp đảm bảo như Dubai. Một doanh nghiệp có 3 năm hoạt động ở Dubai sẽ rất đáng tin cậy.

Phụ trách thị trường Châu Phi - Phó Vụ trưởng Ngô Khải Hoàn cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên thông qua Đại sứ quán hoặc Tham tán thương mại nếu thấy có vấn đề. Còn đối với thị trường chưa có Đại sứ quán, doanh nghiệp cũng nên nhờ trợ giúp từ Đại sứ quán lân cận và Bộ Công Thương.

Phó Vụ trưởng Lê Thái Hòa cho rằng trong giao dịch thương mại quốc tế với bất kì thị trường nào cũng đều có rủi ro. Thị trường Châu Phi và Trung Đông có thể có một số đặc trưng riêng nhưng đây vẫn là hai thị trường đầy tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Châu Phi là 3.182 triệu USD còn tại Trung Đông là 8.900 triệu USD.

Việt Nam đã đầu tư tại 12 nước châu Phi, tổng vốn gần 2,6 tỷ USD ở một số lĩnh vực như viễn thông, thăm dò và khai thác đầu tư xây dựng. Ngoài ra còn một số ngành sản xuất như sản xuất tấm lợp, xe gắn máy, hàng may mặc, điện tử...

Tại thị trường Trung Đông Việt Nam chủ yếu xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện, hàng hải sản, hạt tiêu, hạt điều, gạo...

Minh Tâm