|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương đề xuất cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4

22:34 | 06/04/2020
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho biết sau khi tính toán kĩ để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ đề xuất trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo. Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Mới đây, Bộ Công Thương gửi báo cáo tới Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ Công Thương cho biết sau khi tính toán kĩ để đảm bảo an ninh lương thực, Bộ đề xuất trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo. 

Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Bộ Công Thương cũng tính toán lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 800 nghìn tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với cùng kì năm ngoái và giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018.

Theo thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo hàng hoá của vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Nếu tính cả số lượng “gối đầu” từ 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn. 

Với tốc độ xuất khẩu 25 nghìn tấn/ngày trong tháng 3 vừa qua, do các tờ khai hải quan mở trước 0h ngày 24/3 vẫn tiếp tục được thực hiện, ước tính lượng gạo xuất khẩu đến 31/3 khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn. 

Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5 khoảng 700  nghìn tấn. Cụ thể, cần khoảng 300 nghìn tấn để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cụ Dữ trữ Nhà nước. Ngoài ra, giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5. 

“Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30 kg cho tháng 4 và tháng 5", Bộ Công Thương nhận định.

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lí 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 bằng cách cộng dồn, trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra đề xuất, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn phải ký thoả thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị bảo đảm cung cấp dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thoả thuận, Bộ Công Thương có quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 3. 

Tại An Giang, lúa IR50404 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.800 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên mức 5.100 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.900 đồng/kg

Tại Bạc Liêu, lúa Đài Thơm 8 tăng 200 đồng/kg lên 5.400 – 5.500 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 5.100 – 5.300 đồng/kg

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ở mức 5.400 đồng/kg; lúa OM 4218 ở mức 5.800 – 6.000 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.000 – 6.200 đồng/kg, ổn định trong suốt tháng 3/2020. 

Những ngày cuối tháng 3 giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm nhẹ khi bị tác động bởi thông tin việc tạm dừng thông quan xuất khẩu gạo. 

H.Mĩ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.