|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ Công Thương: Cán cân thương mại năm 2022 có thể xuất siêu 1 tỷ USD

10:30 | 23/08/2022
Chia sẻ
Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 dự kiến đạt 368 tỷ USD, nhập khẩu 367 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể nghiêng về xuất siêu 1 tỷ USD.

Bộ Công Thương dự báo nửa cuối năm 2022, nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp tục tăng cao theo chu kỳ xuất nhập khẩu hàng hóa và hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP ngày càng được thực thi toàn diện và hiệu quả hơn, theo báo Công Thương.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao khoảng 8% và vượt kế hoạch của Bộ khoảng 8,1%.

Kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt khoảng 367 tỷ USD. Như vậy nếu kết quả xuất nhập khẩu diễn ra đúng như dự báo, cán cân thương mại năm 2022 dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Tổng kết 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 186 tỷ USD.

Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 19,5%, mức tăng này cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, việc cấp C/O mẫu CPTPP đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ…

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới dự báo có thể suy thoái kinh tế.

Lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia như khu vực EU là 8,6% hay tại Mỹ là 9,1% trong tháng 6 và dự kiến sẽ còn ở mức cao.

Lạm phát cao có thể làm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, làm sụt giảm cầu hàng hóa nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam trong thời gian tới.

Hoàng Anh