Bloomberg: Vàng không còn là tài sản ngừa rủi ro tốt trong thời điểm kinh tế khó khăn
Giống như chứng khoán, bất động sản
Theo Bloomberg, vào những năm 1980, giá vàng từng được coi là một biến số có thể thay đổi hết sức kịch tính.
Sau Thế chiến II, dưới hệ thống Bretton Woods, giá vàng đã được cố định ở mức 35 USD/ounce. Song, sau khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon cắt đứt liên kết giữa vàng và đồng USD vào năm 1971 (xóa bỏ bản vị vàng), giá của kim loại này đã tăng vọt lên 800 USD/ounce vào 1980.
Của cải sinh sôi nảy nở, những nhà đầu tư vàng xuất hiện ngày một nhiều và giá của kim loại này trở thành mối quan tâm hàng ngày. Nhiều nhà bình luận coi giá vàng tăng cao là điềm báo thảm họa cho tiền phát định và cả nền văn minh phương Tây.
Tuy vậy, hiện nay, ngay cả khi vàng đang giao dịch quanh mức kỷ lục 2.000 USD/ounce, kim loại này vẫn hơi nhàm chán và nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhàm chán trong tương lai gần.
Theo một nghiên cứu mới từ Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER), ít nhất kể từ năm 1990, giá vàng đã tuân theo một số quy tắc.
Nói một cách đơn giản, giá vàng giảm khi lãi suất thực tế đi lên. Nguyên nhân là bởi bản thân vàng có lợi suất trực tiếp bằng 0.
Do vậy, ở mức lãi suất cao hơn, chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng sẽ tăng lên. Về đặc điểm này, vàng cũng giống như nhiều tài sản khác như tiền mã hóa, cổ phiếu công ty công nghệ và bất động sản.
Giá vàng cũng tăng (giảm) khi nhu cầu về kim loại này như một hàng hóa tăng lên (hoặc giảm đi). Chẳng hạn, khi Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, quốc gia này sẽ cần nhiều vàng hơn để sử dụng như một loại hàng hóa, giúp thúc đẩy giá vàng.
Ấn Độ cũng có nhu cầu trang sức bằng vàng khá lớn. Có thể kết luận, khi một quốc gia trở nên giàu có hơn, nhu cầu về vàng cũng sẽ đi lên và khiến giá tăng theo.
Tuy vậy, theo cả hai cơ chế tăng giá, vàng không còn là một tài sản phòng ngừa rủi ro tốt trong những thời điểm khó khăn, bởi kim loại này tăng giá khi lãi suất thấp và nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng. Ngược lại, khi lãi suất cao, nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhu cầu về vàng, và kéo theo đó là giá, cũng sẽ đi xuống.
Vàng đã trở thành một tài sản kinh tế theo chu kỳ và giá vàng không còn được theo dõi chặt chẽ, hoặc được coi như điềm báo về sự sụp đổ của nền kinh tế hay xã hội. Thay vào đó, giá kim loại này lên cao hay xuống thấp là chuyện hoàn toàn bình thường.
Bản vị vàng sẽ không trở lại
Giá vàng dường như rất ấn tượng trong những năm 1980 vì thị trường và giá cả đã bị kìm hãm quá lâu vào thời điểm trước đó. Bởi vậy, vào năm 1980, rất khó để biết được giá trị thực sự của kim loại này là bao nhiêu và thị trường liên tục thử nghiệm, khám phá mức giá của vàng.
Theo Bloomberg, trong những năm gần đây, giá vàng đã không còn là điềm báo tốt cho sự trở lại của bản vị vàng. Hệ thống bản vị vàng đã bị nhiều người chỉ trích.
Nhà kinh tế học lỗi lạc John Maynard Keynes đã gọi hệ thống này là “một di tích man rợ”. Dù vậy, bản vị vàng tại Anh vào thế kỷ 19 đã mang lại hiệu quả kinh tế vĩ mô tương đối tốt.
Tuy nhiên, nền kinh tế hiện đại có những đặc điểm khác biệt. Vào thế kỷ 19, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi chậm chạp và nhu cầu về vàng như một loại hàng hóa tương đối ổn định, dẫn đến mức giá không biến động lớn.
Trong thời hiện đại, các nền kinh tế như Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và tác động lớn tới giá vàng. Ví dụ, giai đoạn 2002-2012, giá vàng đã tăng hơn 4 lần, tạo ra áp lực giảm phát mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu.
Nếu giá vàng được cố định (bản vị vàng) thì giá trị tương đối của kim loại này đi lên sẽ khiến tất cả những loại giá cả khác cũng như tiền lương phải hạ xuống, gây ra nguy cơ giảm phát. Trong chế độ bản vị vàng, những biến động lớn về giá trị tương đối của vàng sẽ gây ra thảm họa kinh tế. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện tại, việc vàng tăng giá không còn là tin tức lớn.
Vàng, giống như nhiều hàng hóa khác, có nguồn cung tương đối ít co giãn trong ngắn hạn. Hay nói cách khác, nếu nhu cầu tăng lên, phải mất một khoảng thời gian trước khi nhiều vàng hơn được bơm vào thị trường.
Giá vàng hiện nay có thể tăng mạnh cũng như giảm mạnh khi nhu cầu chậm lại. Nhưng trong cả hai trường hợp, kim loại này không còn khả năng báo trước tương lai.