|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đà bùng nổ của vàng có thể kéo dài trong bao lâu?

15:41 | 25/05/2023
Chia sẻ
Nhà đầu tư cá nhân và các ngân hàng trung ương đã tìm đến vàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đầy biến động. Tuy nhiên, triển vọng cả trong dài hạn và ngắn hạn của kim loại quý này có thể sẽ không ổn định.

Theo Financial Times, giới nhà giàu trên khắp thế giới đang đổ xô tích trữ vàng. Ông Ashok Sewnarain, CEO của IBV International Vaults, công ty sở hữu một kho vàng tại London cho biết khách hàng ngày càng "cảnh giác với trật tự thế giới mới”. 

“Chúng ta mất niềm tin vào ngân hàng, [bị ảnh hưởng bởi] lạm phát cao và sự chia rẽ trên toàn cầu về đồng tiền dự trữ”, ông nói.

Các ngân hàng trung ương ở những thị trường mới nổi cũng đang nhanh chóng tích trữ vàng. Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua 1.079 tấn vàng thỏi - mức cao nhất kể từ 1950.

Kết quả là vàng đã lơ lửng ở mức gần cao nhất mọi thời đại - 2.072 USD/troy ounce - kể từ cuối tháng 3. Nhiều nhà đầu cơ đang nín thở chờ đợi kỷ lục mới được thiết lập. 

 

Từ lâu, vàng đã là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn. Đại dịch COVID, xung đột Ukraine, căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát, nợ toàn cầu gia tăng, lãi suất cao và khủng hoảng ngân hàng đã khiến các nhà đầu tư đánh giá lại danh mục tài sản, giúp vàng hưởng lợi.

Ngoài ra, các nước đang phát triển ngày càng trở nên cảnh giác với sức mạnh của đồng USD, đặc biệt sau khi Mỹ và phương Tây đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga. Nhiều quốc gia nắm giữ USD đã chạy đua để đa dạng hóa bằng cách mua thêm vàng. 

Ông Vladimir Putin, khi còn là Thủ tướng Nga, tại kho vàng của ngân hàng trung ương năm 2011. (Ảnh: Alexsey Druginyn/RIA Novosti/Pool/Reuters).

Một số dự báo cho rằng vàng có thể đạt mức kỷ lục 3.300 USD/troy ounce, tương đương với mức đỉnh vào năm 1980 (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát).

Nếu tình trạng lạm phát đình trệ (đình lạm), căng thẳng địa chính trị và xu hướng phi USD hóa ngày nay vẫn kéo dài, một số người cho rằng vàng thỏi sẽ tiếp tục tỏa sáng. 

Mặt khác, giá vàng cũng có thể thay đổi bất thường. Khi nỗi sợ hãi và hoảng loạn lắng xuống, đà tăng giá có thể kết thúc. Đồng thời, những lo lắng về tác động môi trường và tính ứng dụng hạn chế trong quá trình chuyển đổi năng lượng của vàng có thể làm giảm triển vọng của kim loại này trong dài hạn.

Thị trường sợ hãi

Động lực chính cho sự hồi sinh của vàng là mối lo ngại về độ tin cậy của các tài sản khác. Khi thị trường trở nên biến động hơn, các nhà đầu tư đã quay về với vàng.

Kể từ tháng 11 năm ngoái, vàng đã tăng 20% và giao dịch ngay dưới 2.000 USD/troy ounce sau sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực của Mỹ và việc UBS tiếp quản Credit Suisse.

 

Ông Ross Norman, CEO của Metals Daily, cho biết: “Vàng cho thấy mức độ sợ hãi trên thị trường tài chính đang rất cao”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo về thảm họa tài chính và kinh tế nếu Quốc hội không đồng ý tăng trần nợ trước đầu tháng 6. 

Ông Mark Bristow, người đứng đầu Barrick Gold, nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới nhận định: “Thực tế phũ phàng là khi bạn nợ nhiều hơn GDP, chỉ có hai cách để thoát khỏi rắc rối: một sự điều chỉnh lớn hoặc tăng trưởng”. 

“Chúng ta không thể tăng trưởng đủ nhanh. Lối thoát duy nhất là hạ cánh cứng trên toàn cầu”, ông nói thêm.

Không tin tưởng vào USD

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đã có một số nỗ lực rõ ràng nhằm đa dạng hóa các loại tiền tệ dự trữ. Tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm từ hơn 70% vào những năm 2000 xuống chỉ còn 58% vào quý IV/2022.

Sự thay đổi này được dẫn dắt bởi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Ông Sebastien De Montessus, Chủ tịch kiêm CEO của Endeavour Mining, cho biết: “Rất nhiều quốc gia đã hiểu ra rằng USD là vũ khí phục vụ cho Mỹ”.

Ngày nay, vàng đang chiếm khoảng 25% trong tổng số 600 tỷ USD dự trữ của Nga - tăng gấp 6 lần về khối lượng kể từ 2007.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trị giá khoảng 3.200 tỷ USD. PBoC đã báo cáo việc thu mua vàng liên tục trong 6 tháng. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành nghi ngờ lượng mua thực tế cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức.

Ông Oliver Ramsbottom, đối tác tại McKinsey, nhận định: “Hoạt động mua vàng kéo dài của Trung Quốc có thể được hiểu là một phần chính sách dài hạn nhằm nới lỏng kiểm soát vốn, do đó làm tăng thách thức của đồng nhân dân tệ đối với USD”.

 

Những nền kinh tế gặp khó khăn, thường mắc nợ nhiều bằng USD cũng đang chuyển sang vàng. Trước khi vỡ nợ vào tháng 12, Ghana, nước sản xuất vàng lớn thứ 6 của thế giới, đã đề xuất thanh toán dầu bằng vàng.

Một quốc gia khai thác vàng lớn khác là Zimbabwe cũng đang tung ra mã thông báo kỹ thuật số (digital tokens - có thể hiểu là tiền mã hóa) được bảo đảm bằng vàng nhằm chống đỡ cho đồng tiền đang bị mất giá của mình.

Sau cơn sốt vàng

Trong ngắn hạn, yếu tố chính quyết định giá vàng sẽ là lộ trình của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm giữ nền kinh tế ổn định và kiểm soát lạm phát.

Chính sách của Fed sẽ là mấu chốt quyết định liệu các nhà quản lý tài sản có đổ xô mua vàng cùng các nhà đầu tư cá nhân và ngân hàng trung ương hay không. Trong 10 tháng tính đến tháng 3/2023, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được bảo đảm bằng vàng đã liên tục giảm nắm giữ kim loại này.

 

Các quan chức Fed đã phát tín hiệu vào tuần trước rằng họ sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa để giải quyết lạm phát, đẩy giá vàng xuống khoảng 1.970 USD/troy ounce do lãi suất cao làm trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với vàng.

Việc Fed khống chế được lạm phát cũng sẽ làm giảm như cầu với vàng - một tài sản phòng ngừa rủi ro lạm phát. Một thỏa thuận về trần nợ của Mỹ cũng có thể gây áp lực cho giá vàng.

Về lâu dài, nhu cầu của người tiêu dùng đối với kim loại quý này có thể bị suy giảm do mức độ ô nhiễm của ngành công nghiệp khai thác vàng. 

Vàng không có nhiều vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tuy nhiên, kim loại này thường được tìm thấy cùng với đồng - nguyên liệu rất quan trọng trong các công nghệ ít phát thải như turbine gió, ô tô điện và đường dây truyền tải điện. 

Chỉ 8% vàng được sử dụng trong các ứng dụng như công nghệ, y học và công nghiệp, phần còn lại chủ yếu dùng cho trang sức và đầu tư.

Nhiều công ty khai thác vàng đang cố gắng tăng sản lượng đồng. Ông Tom Palmer, CEO của  Newmont Corporation, cho biết: “Nếu tôi bước vào cỗ máy thời gian đến 10 năm sau, tôi nghĩ rất nhiều công ty vàng sẽ chuyển sang sản xuất đồng”.

Minh Quang