|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Từ hưởng lợi trong chiến tranh thương mại, Việt Nam trở thành mục tiêu của Mỹ

11:27 | 12/07/2019
Chia sẻ
Nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam trở thành quốc gia hưởng lợi lớn. Song, với thặng dư thương mại với Mỹ ngày càng tăng, Chính phủ Mỹ đang để mắt đến Việt Nam hơn và khiến doanh nghiệp trong nước bất an.
1000x-1

Ảnh: Bloomberg

Xuất khẩu hàng hóa lẫn thặng dư thương mại tăng: Hai nguyên nhân khiến Mỹ để tâm đến Việt Nam

Người Mỹ đang mua nhiều tấm pin mặt trời từ Việt Nam hơn bao giờ hết, tuy nhiên nhà sản xuất địa phương IREX Energy lại đang không cảm thấy vui mừng.

Sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc, hoạt động sản xuất ở nước láng giềng Việt Nam đã rơi vào tình trạng quá tải.

Các hãng sản xuất Trung Quốc, hiện bị áp thuế 55% đối với sản phẩm tấm pin mặt trời, đã chuyển sản xuất sang Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước cũng ghi nhận số lượng đơn hàng tăng.

2

Việt Nam là một trong những nguồn nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ trong tháng 6, pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng 656% so với cùng kì năm ngoái. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra sự bùng nổ trong nhiều mặt hàng, từ đồ nội thất của Ikea đến giày Nike.

Tuy nhiên, điều đó lại khiến Mỹ quan tâm hơn và các doanh nghiệp như IREX bất an.

"Chúng tôi lo ngại rằng Mỹ có thể tăng thuế đối với tấm pin mặt trời của công ty", COO Phạm Thị Thu Trang cho hay từ TP HCM. "Mặc dù thị trường Mỹ rất lớn, nó vẫn rất phức tạp khi liên quan đến chính trị".

Chính phủ Việt Nam đã liên tục mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài trong những năm qua để trở thành một trung tâm sản xuất trong khu vực. Các tên tuổi đình đám như Samsung Electronics, Intel và Nestle đều đã thành lập nhà máy ở Việt Nam.

Thương mại cởi mở, chi phí lao động thấp và vị trí địa lí gần gũi với Trung Quốc đã giúp Việt Nam chèo lái thành công qua cơn bão bảo hộ thương mại toàn cầu đang phát triển khi doanh nghiệp nước ngoài tìm cách di dời từ cuộc chiến thương mại.

1

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam bùng nổ trong những năm gần đây. (Ảnh: Bloomberg)

Nhờ đó, Việt Nam nhanh chóng trở thành đối tác thương mại lớn của Mỹ. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, thặng dư thương mại hàng năm của Việt Nam với Mỹ đã vượt ngưỡng 20 tỉ USD từ năm 2014 và chạm mức 40 tỉ USD hồi năm ngoái, cao nhất kể từ khi thống kê số liệu bắt đầu từ năm 1990.

Trong 5 tháng đầu năm nay, thặng dư đã cao hơn 43% so với cùng kì năm trước, ghi nhận ở mức 21,6 tỉ USD.

Chính quyền Tổng thống Trump đang gây áp lực để Việt Nam cắt giảm thặng dư thương mại, gây ra mối đe dọa với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Để phản hồi áp lực từ phía Mỹ, Việt Nam đã tuyên bố kiểm soát chặt chẽ các nhà xuất khẩu Trung Quốc cho sản phẩm đi vòng sang Việt Nam với nhãn mác "Made in Vietnam" nhằm né thuế quan của ông Trump.

Vài tuần trước, Mỹ đã áp thuế hơn 400% đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc Hàn Quốc và Đài Loan.

Việt Nam đã cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ, từ máy bay Boeing đến sản phẩm năng lượng, để thu hẹp thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Việt Nam đang rất lo lắng và bối rối. Họ không biết bước đi tiếp theo của ông Trump sẽ là gì", ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, nhận định.

Capital Economics ước tính nếu ông Trump áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam như ông từng làm với hàng hóa Trung Quốc, doanh thu từ xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 25%, tương đương hơn 1% GDP.

Diễn biến này sẽ xóa sổ khoảng 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng mà Việt Nam đạt được nhờ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại.

 Việt Nam làm gì để hạn chế cú sốc thương mại?

Ngay cả trước khi căng thẳng thương mại leo thang, Việt Nam đã được hưởng lợi từ các doanh nghiệp đang tìm kiếm lựa chọn thay thế giá rẻ cho Trung Quốc khi lương công nhân ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng lên.

Xu hướng đó có thể sẽ tiếp tục, giúp duy trì quĩ đạo kinh tế của Việt Nam, theo nhà kinh tế trưởng Adam McCarty của Mekong Economics (Hà Nội).

Ông cho biết chiến tranh thương mại sẽ không ngăn được dòng doanh nghiệp chuyển sản xuất sang Việt Nam bởi Trung Quốc đã trở nên quá đắt đỏ.

Việt Nam từ lâu cũng đã nỗ lực hạn chế tác động của những cú sốc thương mại bằng cách giảm phụ thuộc vào bất kì thị trường nào, kể cả Mỹ (điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam).

Việt Nam đã đặt bút kí nhiều hiệp định thương mại tự do như EVFTA với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (bản cập nhật). Ngoài ra, Việt Nam còn tiếp cận được quyền miễn thuế đối với nhiều sản phẩm tại các thị trường như Canada và Nhật Bản.

Bà Trang cho biết, bộ phận bán hàng của IREX đang tìm kiếm thị trường mới. Vì vậy, nếu Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Việt Nam, điều đó cũng không tác động nhiều đến IREX.

Yên Khê