|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Nếu hàng Việt Nam bị Mỹ áp thuế 25% giống hàng Trung Quốc, nguy cơ tăng trưởng GDP giảm 1 điểm %

16:05 | 21/11/2019
Chia sẻ
Việt Nam đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát tình trạng hàng Trung Quốc “mượn đường” sang Mỹ để tránh thuế. Nếu không làm tốt, tất cả hàng hóa xuất từ Việt Nam có thể bị chính quyền Tổng thống Trump áp thuế, tương tự như hàng hóa Trung Quốc.
Bloomberg: Nếu hàng Việt Nam bị Mỹ áp thuế 25% giống hàng Trung Quốc, nguy cơ tăng trưởng GDP giảm 1 điểm % - Ảnh 1.

Container hàng hóa tại Tân Cảng - Hiệp Phước. Ảnh: Bloomberg.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lí về hải quan cho biết Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu cho các công ty muốn tránh thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. 

Cũng vì vậy mà Việt Nam rất dễ trở thành nạn nhân của tình trạng gắn mác "Made in Vietnam" lên hàng hóa trái phép.

"Chúng tôi nhận thấy các hành vi gian lận thương mại tăng mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Chúng tôi đã tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng Mỹ để ngăn chặn tình trạng này. Nhiều biện pháp mạnh tay đang được thực hiện, bao gồm cả việc lập ra một danh sách gồm 25 mặt hàng cần theo dõi đặc biệt", ông Tuấn nói.

Tính chung 9 tháng đầu năm, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ với tổng kim ngạch 57,1 tỉ USD. Trong đó, giá trị Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là 49 tỉ USD, nhập khẩu từ Mỹ 8,1 tỉ USD, tương ứng với thặng dư thương mại 41 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái.

Theo số liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ, trong cả năm 2018, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là xấp xỉ 40 tỉ USD.

Việt Nam trong danh sách theo dõi của Mỹ

Ông Nestor Scherbey – Chủ tịch công ty Dịch vụ Hải quan, Thương mại, và Quản trị rủi ro CTRMS Việt Nam nói: "Việt Nam thực sự cần phải tích cực hơn nữa trong lĩnh vực này. Nếu không chú ý tới quốc gia nguồn gốc của hàng hóa được xuất khẩu, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều rắc rối".

Tháng 5 năm nay, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi gồm các quốc gia có khả năng thao túng tiền tệ. Đến tháng 6, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu rằng Việt Nam đang hưởng lợi không chính đáng trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Đến đầu tháng 7, Mỹ áp thuế hơn 400% đối với một số sản phẩm thép Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan và Hàn Quốc. Đầu tháng 11 này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khi đến thăm Hà Nội đã hối thúc Việt Nam cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Nhân chuyến thăm này, hai doanh nghiệp Mỹ là nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney và tập đoàn công nghệ Sabre đã kí kết hợp đồng cung cấp dịch vụ trị giá hơn 1 tỉ USD với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Cuối tháng 2 năm nay khi Tổng thống Trump đến Việt Nam để dự Thượng đỉnh Mỹ-Triều, Vietnam Airlines cùng hai hãng hàng không đồng hương là Vietjet Air và Bamboo Airways cũng kí kết các thương vụ tổng trị giá hàng chục tỉ USD.

Theo Bloomberg, Việt Nam dự định sẽ tăng cường nhập các sản phẩm có giá trị lớn từ Mỹ, trong đó có tàu bay Boeing và khí tự nhiên hóa lỏng, nhằm giúp hạn chế thặng dư thương mại.

Theo một nghiên cứu của Capital Economics, nếu chính quyền Tổng thống Trump áp thuế quan 25% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam tương tự như đã làm với hàng Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ mất đi 25% doanh thu xuất khẩu, tương đương hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thiệt hại này sẽ xóa sạch lợi ích ước tính 0,5% GDP mà Việt Nam đạt được trong năm qua từ cuộc chiến thương mại.

Giám sát đặc biệt nhiều mặt hàng, doanh nghiệp

Bloomberg dẫn lời ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết các cán bộ hải quan đang tập trung giám sát các mặt hàng "hết sức đáng ngờ" chẳng hạn như linh kiện điện tử và nội thất gỗ. Đây đều là những nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng đột biến trên 15% trong một năm qua.

Ông Thành nói thêm: Hàng trăm công ty trong và ngoài nước đang "bị theo dõi đặc biệt vì hoạt động xuất khẩu đáng ngờ".

Ông Âu Anh Tuấn cho biết các cơ quan chức năng Mỹ đã thông báo cho phía Việt Nam danh sách những mặt hàng mà giá trị từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng đột biến trong khi giá trị từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh.

Đây là những mặt hàng cần theo dõi chặt do có nguy cơ doanh nghiệp đi đường vòng từ Trung Quốc qua Việt Nam sang Mỹ để tránh thuế. Tính đến hết tháng 10, hải quan Việt Nam đã phát hiện 14 vụ lớn liên quan đến xuất khẩu với nhãn mác giả.

Mới tuần trước, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết kể từ ngày 27/12, Việt Nam sẽ dừng việc trung chuyển hoặc tạm nhập sản phẩm gỗ ván ép sang Mỹ. Ban Chỉ đạo Chống Buôn lậu, Gian lận Thương mại và Hàng giả Quốc gia (Ban Chỉ đạo 389) đã yêu cầu các tỉnh dọc biên giới phải tăng cường thanh kiểm tra hàng hóa nhập khẩu.

Tháng trước, hải quan Việt Nam đã phát hiện và thu giữ lô hàng nhôm Trung Quốc đội lốt "Made in Vietnam" trị giá 4,3 tỉ USD. Lô hàng này chuẩn bị được chuyển ra nước ngoài, trong đó chủ yếu là sang Mỹ.

Ông Âu Anh Tuấn nói: "Chúng tôi đã bắt đầu dồn rất nhiều nguồn lực vào ngăn chặn hành vi đội lốt hàng xuất khẩu và trung chuyển bất hợp pháp. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại hiện nay, đây là việc hết sức khó khăn".

Song Ngọc, Kiên Dương

Cơn sốt sau bầu cử hạ nhiệt: Dow Jones mất hơn 380 điểm, S&P 500 đứt chuỗi tăng 5 phiên
Cả ba chỉ số chính đều rời khỏi đỉnh lịch sử sau khi động lực tăng giá hậu bầu cử dần biến mất. Hiện thị trường đang chuyển sự chú ý sang loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.