|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bloomberg: Môi trường startup Việt Nam thu hút doanh nhân Việt Kiều

09:46 | 07/12/2016
Chia sẻ
Lực lượng lao động có trình độ, môi trường thuận lợi cho startup, kinh tế tăng trưởng khá... tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các doanh nhân công nghệ Việt Kiều. Họ nhìn thấy một cơ hội tăng trưởng và thịnh vượng tuyệt vời tại Việt Nam. 

Hãng tin Bloomberg hôm nay đăng tải bài viết với câu chuyện về những doanh nhân Việt Kiều quay trở lại Việt Nam đầu tư bởi nhìn thấy cơ hội tuyệt vời từ trong nước. Rất nhiều người đã thành công với những startup công nghệ được xây dựng tại Việt Nam.

bloomberg moi truong startup viet nam thu hut doanh nhan viet kieu

Ông Thân Trọng Phúc - Binh Tran - Sonny Vũ - Dang Van Tran (trái qua phải, trên xuống dưới)

Nguồn: Bloomberg

Dang Van Tran rời Việt Nam năm 7 tuổi cùng gia đình tới Mỹ. 40 năm sau, ông trở lại Việt Nam và điều hành một startup tại Sài Gòn với tên gọi Butterfly Hub, giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên phân tích số liệu trong thế giới thời trang và làm đẹp. Khi trở lại Việt Nam, ông Tran đã rất ấn tượng với những gì đang diễn ra tại đất nước mình và quyết định ở lại.

Binh Tran, người đồng sáng lập công ty Klout Inc. có trụ sở tại San Francisco cũng đã trở lại Việt Nam và làm việc bán thời gian trong vai trò cộng sự tại tổ chức 500 Startups của Thung lũng Silicon với quỹ 10 triệu đô la bắt đầu hoạt động từ năm nay.

Theo Bloomberg, Việt Nam mà họ trở lại ngày hôm nay đã có một bộ mặt khác so với trước đây. Chính phủ Việt Nam đang tích cực cố gắng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, giáo dục đã được cải thiện, các điều kiện sống cũng tốt hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là một trong những động lực của nền kinh tế, năm ngoái lượng kiều hối chuyển về Việt Nam lên tới 13,2 tỷ USD, tăng 900% so với năm 2000.

Thân Trọng Phúc, một Việt Kiều đã trở về nước trong vai trò giám đốc quốc gia Intel Việt Nam, một tập đoàn đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam cho biết, thời gian đã chữa lành những "vết thương".

Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác đã có nhiều thập kỷ hưởng lợi từ những công dân quay trở lại từ những trung tâm công nghệ lớn như Thung lũng Silicon. Việt Nam giờ đây cũng đang cố gắng bắt kịp và tìm kiếm đầu tư nhiều hơn nữa.

Ông Lê Hoài Quốc, người đứng đầu ban quản lý khu công nghệ cao Sài Gòn Hi-Tech Park chia sẻ với Bloomberg rằng thực ra đầu tư từ Việt Kiều vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Chính phủ Việt Nam hiện nay có nhiều ưu đãi khuyến khích dành cho Việt Kiều, như cấp thị thực tới 5 năm và miễn thuế nhập khẩu cho xe đã qua sử dụng. Một khu công nghệ với tên gọi Sài Gòn Silicon City cũng đã được xây dựng tại TP.HCM để thu hút đầu tư từ Việt Kiều với ưu đãi giảm thuế và trợ cấp tiền thuê đất.

Dân số trẻ và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu trong nước cũng tạo ra sức hút. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã vượt 6,4% trong quý 3, từ mức 5,8% trong 3 tháng trước đó, Tổng cục Thống kê cho biết hôm 29/9, chỉ đứng sau Philippines trong khu vực Đông Nam Á.

Hơn một nửa dân số có sử dụng Internet, số lượng điện thoại di động vượt ra số dân, theo ông Binh Tran. Flappy Bird, hiện tượng trò chơi năm 2014 được ra đời tại Việt Nam đã tạo nguồn cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân công nghệ mới. Ông Binh Tran cho biết đang nhìn thấy cơ hội tuyệt vời cho tăng trưởng và thịnh vượng tại Việt Nam. "Hệ thống giáo dục có nền tảng tốt về toán và khoa học, tạo cơ sở cho khoa học máy tính. Và Việt Nam yêu thích các startup - dường như mỗi ngày đều có một cuộc thi đấu hay một hackathon".

Tập đoàn Fossil, mỗi năm bán 30 triệu chiếc đồng hồ, năm ngoái đã mua lại Misfit Wearables Corp. với giá 260 triệu USD từ hai người đồng sáng lập công ty là John Sculley và Sonny Vu, một người Mỹ gốc Việt. Ông Vũ cũng đã trở lại Việt Nam sau nhiều năm và thành lập một công ty phần mềm với 160 thành viên tại TP. Hồ Chí Minh. Theo ông Vũ, các nhân viên của mình tại Việt Nam đều có trình độ đạt đẳng cấp thế giới.

Esther Nguyen, người trưởng thành tại Thung lũng Silicon, cũng đã quay trở lại Việt Nam 8 năm trước và thành lập website giải trí số Pops Worldwide, năm nay công ty đã ký hợp tác với Turner Broadcasting Systems Inc.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang bị các quốc gia khác bỏ xa trong việc thu hút doanh nghiệp công nghệ thành công bởi thiếu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn khởi nghiệp đầu tiên. Lực lượng nhân viên, dù nhiệt huyết, chăm chỉ và chi phí thấp, nhưng thiếu một số kỹ năng có thể tìm thấy ở Thung lũng Silicon, ông Dang Van Tran nhận xét. "Tôi là một dân công nghệ. Tôi muốn giúp tạo ra văn hóa startup", doanh nhân công nghệ Dang Van Tran chia sẻ.

PT