|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bkav muốn khởi kiện những người 'ném đá' Bphone

22:42 | 27/06/2020
Chia sẻ
Trong những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn công nghệ xuất hiện các cuộc tranh luận xoay quanh thông tin ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ Bkav đang chuẩn bị chứng cứ để khởi kiện những cá nhân đã đưa ra những nghi vấn, cáo buộc tiêu cực về sản phẩm điện thoại thông minh Bphone của doanh nghiệp. Liệu Bkav có khởi kiện được không.

Sau khi trên các diễn đàn công nghệ xuất hiện những thông tin tiêu cực về sản phẩm điện thoại Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng ngay lập tức đăng đàn để phản ứng. 

Trong một bài viết trên trang Facebook cá nhân, ông Quảng cho rằng Bphone đang bị "đánh" thậm tệ và dai dẳng, và cho biết doanh nghiệp của mình đang chuẩn bị chứng cứ để khởi kiện một số đối tượng “đánh” điện thoại thông minh Bphone và xúc phạm cá nhân ông trong thời gian qua.

“Bkav đang thực hiện thủ tục để kiện các tổ chức, cá nhân đã đưa thông tin, bình luận sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo Luật An ninh mạng. 

Mong rằng mọi người sẽ ủng hộ việc này, để các doanh nghiệp có một môi trường trong sạch, giúp các sản phẩm công nghệ trong nước phát triển, xây dựng thành công ngành công nghiệp smartphone của người Việt Nam" - ông Quảng nói với TBKTSG Online.

Bkav muốn khởi kiện những người 'ném đá' Bphone - Ảnh 1.

Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng.

Cơ sở để doanh nghiệp khởi kiện khi bị tung tin giả, bôi nhọ

Trao đổi với TBKTSG Online, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, cho biết hiện nay, việc tung tin giả, sai sự thật nhằm “bôi nhọ” thông tin sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp đang là vấn nạn khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. 

Đây có thể là những hành vi mang tính chất “chơi xấu”, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm các quy định của pháp luật.

Đề cập đến câu chuyện của Bkav, ông Nguyễn Đức Hùng, cũng là thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng nếu Bkav phát hiện ra các hành vi xuyên tạc, vu khống, thông tin không đúng sự thật, có tính chất “bôi nhọ” sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp thì có quyền làm đơn trình báo đến cơ quan công an và các cơ quan có thẩm quyền khác hoặc khởi kiện ra tòa án, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo đúng quy định của pháp luật.

“Trên thực tế, việc xác định chủ thể và hành vi vi phạm trên không gian mạng cũng sẽ có những khó khăn nhất định như: các đối tượng sử dụng nick ảo, ẩn danh, hoặc ở nước ngoài... 

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có đầy đủ các quy định pháp lý cần thiết, để ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân bị vi phạm nên không thể có chuyện "con kiến kiện củ khoai", luật sư Nguyễn Đức Hùng tư vấn.

Ở góc nhìn của một người từng tham gia tư vấn và hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho không ít các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong các vụ việc vi phạm tương tự, ông Hùng cho rằng doanh nghiệp (bị ảnh hưởng) không chỉ cần nắm vững nội dung các quy định pháp luật mà còn cần thu thập chứng cứ đầy đủ. 

Và những công việc này doanh nghiệp có thể nhờ sự tư vấn hoặc ủy quyền cho một đại diện về mặt pháp luật để tiến hành các bước trong quá trình giải quyết vụ việc, làm việc với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan, để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật.

Khi gặp phải những tình cảnh bị cáo buộc tiêu cực vô căn cứ, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, theo ông Hùng, các doanh nghiệp phải tự chủ động bảo vệ mình, phải có những biện pháp và cách thức truyền thông phù hợp và hiệu quả, để xử lý khủng khoảng về thông tin và truyền thông. 

Các doanh nghiệp phải chủ động đưa ra các thông tin phản biện đầy đủ và thuyết phục đối với các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, không đúng về sản phẩm và uy tín của mình, cũng như giải đáp thỏa đáng tất cả các thắc mắc và hoài nghi của khách hàng, dư luận xã hội.

“Đồng thời, các doanh nghiệp bị vi phạm cũng phải kịp thời trình báo sự việc đến cơ quan công an và các cơ quan có thẩm quyền khác, để các cơ quan này kịp thời có các biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ theo đúng pháp luật. 

Các doanh nghiệp bị vi phạm cũng có thể chủ động tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ (lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi vi phạm), để cung cấp cho các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ việc, hoặc làm căn cứ khởi kiện tại tòa án,” ông Hùng nói.

Vận dụng sự hỗ trợ từ quy định luật pháp

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 8 Luật an ninh mạng thì các hành vi “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” là các hành vi bị nghiêm cấm.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 16 Luật An ninh mạng thì các hành vi như: “Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”; “thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác”; “thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”... là các hành vi trái pháp luật và sẽ bị ngăn chặn, xử lý theo quy định của Luật an ninh mạng và các văn bản pháp quy có liên quan.

Thêm nữa, ông Hùng cho hay Điều 110 Nghị định số 15/2020/NĐ – CP của Chính phủ quy định các hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên.

Vẫn theo ông Hùng, tại Điểm g Khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ – CP của Chính phủ cũng quy định các hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các hành vi “đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;” là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 45 Luật cạnh tranh.

“Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.” (Điều 110 Luật cạnh tranh năm 2018).

“Trong trường hợp, các hành vi vi phạm nêu trên gây ra thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Điều 584 và Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015,” ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, những hành vi vi phạm nêu trên cũng có thể bị xử lý hình sự về “tội vụ khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội phạm này, cụ thể như sau: “a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.”

Vì sao ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng Bphone bị "đánh"?

Trao đổi với TBKTSG Online, vị Chủ tịch của Bkav cho rằng một số người ở trong nước đã nhận tiền của thương hiệu điện thoại nước ngoài để đánh Bphone, nhằm phá hoại nền công nghiệp sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) của Việt Nam. Bkav đang điều tra và sẽ có những biện pháp thích hợp.

Theo ông Quảng, từ khi Bphone được đưa ra thị trường, đã có rất nhiều lời bình luận, bài viết cho rằng đây là điện thoại Trung Quốc gắn mác Bkav; công ty và chủ tịch công ty "nổ", đề cao quá mức về năng lực của bản thân và công ty.

Ngoài ra, trên một số trang mạng còn có nhiều bình luận với lời lẽ khiếm nhã, xúc phạm cá nhân ông...

Ông Quảng cho rằng việc "đánh" Bphone trong nhiều năm nay là một hoạt động có tổ chức, bởi Bkav cho rằng các cá nhân, nhóm này tạo một chatbot để tự động bình luận 24/24 trên các diễn đàn, các bài báo để gièm pha, nói xấu Bphone.

"Cũng theo cách này, họ còn xúc phạm cá nhân tôi thậm tệ. Mỗi chiến dịch đều được họ dùng rất nhiều người đăng bài, làm những đoạn video ngắn, bình luận khắp nơi. Không những thế, nhiều người và có cả các kênh nhận xét, đánh giá, ném đá sản phẩm nước nhà," ông Quảng nói, và cho rằng nhiều người "ném đá" trên mạng xã hội là theo phong trào, bị ảnh hưởng bởi những thông tin đã bị bóp méo, sai sự thật mà đối thủ của Bkav tạo ra.

Theo vị Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (CEO) của Bkav, những vấn đề liên quan đến Bphone hay bản thân ông khi phát ngôn ra công chúng thường bị bóp méo, điều chỉnh sai lệnh đi nhằm mục đích kích động những người khác.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người vốn không quen với việc chấp nhận những sự khác biệt lớn trong xã hội. Tự nhận mình là người hay đưa ra những thứ rất khác biệt ở trong xã hội, nên ông Quảng cho rằng nhiều người sẽ không thích điều này.

Ông cũng bày tỏ niềm mong muốn và sự nỗ lực của Bkav là góp phần vào việc làm cho Việt Nam trở nên hùng cường, bởi Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ.

"Nhưng mà mọi người chưa quen với lối suy nghĩ này, ví dụ như tôi nói là Bkav có thể cạnh tranh với những công ty hàng đầu thế giới thì nhiều người chưa quen với điều đó và còn định kiến rất lớn.

Bởi họ cho rằng mình là một nước còn nghèo còn chưa phát triển thì khó có thể nào nói câu chuyện đó. Nhưng thực sự chúng ta nỗ lực hoàn toàn có thể làm được.

Bkav chọn sứ mệnh là thay đổi định kiến đó. Ngoài những người "ném đá" cũng có rất nhiều người hiểu điều này," ông Quảng bộc bạch.

Trong giới công nghệ Việt Nam, trước khi gây tiếng vang với điện thoại thông minh Bphone, Bkav đã nổi tiếng với nhiều sản phẩm về công nghệ, trong đó nổi lên hơn cả là phần mềm diệt virus Bkav.

Phần mềm này đã từng có 10 năm cung cấp dưới dạng miễn phí cho người dùng và bắt đầu được kinh doanh từ năm 2005.

Và CEO Nguyễn Tử Quảng trong nhiều năm qua cũng có một "gia tài" những câu nói gây ấn tượng mỗi lần quảng bá các sản phẩm công nghệ của Bkav, dẫn đến việc giới công nghệ đặt cho ông biệt danh Quảng "nổ".

Vân Ly