Bình Thuận ráo riết gỡ khó cho gần 120 dự án điện gió, điện mặt trời
Gần 120 dự án điện gió, điện mặt trời
Báo Bình Thuận dẫn nguồn Sở Công thương Bình Thuận cho biết trên địa bàn tỉnh, đến nay có 20 dự án điện gió, với tổng công suất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung qui hoạch phát triển điện lực Quốc gia và Bộ Công thương phê duyệt qui hoạch phát triển điện gió tỉnh là 821,5 MW, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.
Trong đó, có 13 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, với tổng công suất 607 MW, 25.751 tỉ đồng. Cụ thể:
Tình trạng dự án | Số lượng | Công suất | Tên dự án |
---|---|---|---|
Đã đi vào hoạt động | 3 | 60MW/176MW | - Phong Điện 1 – Bình Thuận (giai đoạn 1 – 30 MW đã hoàn thành; giai đoạn 2 – 90 MW đang triển khai thủ tục đầu tư) - Phú Lạc (giai đoạn 1 – 24 MW đã hoàn thành; giai đoạn 2 – 26 MW đang triển khai thủ tục đầu tư) - Dự án điện gió đảo Phú Quý (6MW). |
Đang triển khai thi công | 1 | 32 MW | Dự án Thuận Nhiên Phong |
Được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, đang hoàn thành thủ tục nhưng chưa triển khai xây dựng | 9 | 399 MW | - |
Ngoài ra có 7 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đo gió, lập hồ sơ trình xin cấp quyết định chủ trương đầu tư, tổng công suất 205,5 MW.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho nhà đầu tư nước ngoài (Tổ hợp Kê Gà) nghiên cứu khảo sát dự án điện gió trên biển Kê Gà (Hàm Thuận Nam) với công suất đề xuất 3.400 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến 11,9 tỉ USD.
Một số nhà đầu tư khác cũng đã gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh đăng kí khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi, Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Tân tổng công suất đề xuất khoảng hơn 12.900 MW.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương xem xét lấy ý kiến các Bộ ngành và UBND tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về các dự án điện mặt trời, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 98 dự án điện mặt trời với tổng công suất đề xuất, đăng kí đầu tư khoảng 5.133 MW, tương đương 6.407 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 148.000 tỉ đồng.
Trong đó, 61 dự án UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung qui hoạch phát triển điện lực quốc gia, qui hoạch phát triển điện lực tỉnh, bổ sung vào đồng bộ qui hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, với tổng công suất 3.283 MW, tương đương 4.075 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến 98.700 tỉ đồng.
Bộ Công thương đã tổ chức họp thẩm định bổ sung qui hoạch phát triển điện lực, hoàn thành lấy ý kiến các đơn vị liên quan 15 dự án, với tổng công suất 759 MW, tương đương 949 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến 23.002 tỉ đồng.
Hiện, có 8 dự án đang lập hồ sơ qui hoạch phát triển điện lực bổ sung, lấy ý kiến, với tổng công suất 538 MW, tương đương 685 MWp, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.527 tỉ đồng.
Ngoài ra, một số nhà đầu tư khác đã được UBND tỉnh chủ trương cho khảo sát lập dự án (1.378 ha), nhà đầu tư đang nghiên cứu lập hồ sơ qui hoạch điện lực bổ sung; dự kiến công suất khoảng 400 MW, tương đương khoảng 500 MWp.
Đầy khó khăn, vướng mắc
Sở Công Thương Bình Thuận cho hay trong thời gian trước năm 2018, theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 7,8 US cent/kWh, nên việc triển khai các dự án điện gió chưa được như kì vọng.
Mặt khác, các nhà đầu tư chưa đáp ứng về năng lực quản lí, năng lực tài chính, dự án phụ thuộc chủ yếu vào việc huy động nguồn vốn vay ngân hàng và các tổ chức tín dụng, việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn, việc chồng lấn dự án với các khu vực qui hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác titan, tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện.
Về giải tỏa công suất, các dự án lưới điện 110 kV, 220 kV do ngành điện triển khai đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để truyền tải công suất các dự án điện mặt trời, điện gió gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chủ yếu do các tổ chức, cá nhân không đồng ý với giá đền bù, một số tổ chức, cá nhân chưa có đủ hoặc không có hồ sơ pháp lí nhưng vẫn gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng… dẫn đến tiến độ thực hiện các dự án lưới điện chậm tiến độ.
Ngoài ra, một số dự án điện gió, điện mặt trời thuộc tỉnh Ninh Thuận cũng giải phóng công suất lên các tuyến đường dây 110 kV, 220 kV về hướng Bình Thuận, ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các dự trên địa bàn tỉnh.
Do đó, để giải quyết khó khăn này, tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Qui hoạch điện lực Quốc gia và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giao các đơn vị có liên quan, các đơn vị trực thuộc nghiên cứu, xem xét thực hiện bổ sung đầu tư xây dựng mới.
Cải tạo, nâng cấp các hệ thống đường dây truyền tải, các trạm biến áp 500 kV, 220 kV, 110 kV để phục vụ đấu nối, truyền tải, giải tỏa công suất các dự án điện gió, mặt trời.
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương một số nội dung sau như báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện đang nằm trong vùng qui hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và vùng qui hoạch dự trữ khoáng sản titan được triển khai đầu tư xây dựng.
Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt điều chỉnh ra khỏi vùng quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan và vùng qui hoạch dự trữ khoáng sản titan.