|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Big Tech Trung Quốc ồ ạt sa thải nhân viên, thoái vốn tại công ty con khi Bắc Kinh tiếp tục siết ngành internet

13:00 | 14/07/2022
Chia sẻ
Nhiều Big Tech Trung Quốc như Tencent, ByteDance,... đã cắt giảm các thương vụ mua bán và sáp nhập cũng như đóng một số bộ phận đầu tư khi quốc gia này tiếp tục siết chặt ngành internet.

Các Big Tech của Trung Quốc, từ gã khổng lồ internet Tencent Holdings đến chủ sở hữu TikTok ByteDance, đang cắt giảm các đơn vị đầu tư chiến lược nhằm phù hợp với nỗ lực giảm các thương vụ mua lại mới khi Bắc Kinh tiếp tục giám sát chặt chẽ ngành internet, theo South China Morning Post.

Tencent đã chứng kiến ​​một số nhóm từ bộ phận đầu tư thu nhỏ của mình sa thải một nửa số thành viên, đồng thời chuyển các nhân viên còn lại tới những bộ phận khác, theo một số nguồn tin thân cận.

Sự điều chỉnh nhân sự đó đã được phản ánh trong các số liệu đầu tư và mua lại mới nhất của công ty. Doanh nghiệp công nghệ giá trị nhất Trung Quốc chỉ thực hiện 32 vụ đầu tư và mua lại trong nửa đầu năm nay, chỉ bằng khoảng 1/4 trong tổng số 129 giao dịch mà họ đã thực hiện trong cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ ITjuzi, một công ty nghiên cứu thị trường internet Trung Quốc. Tencent đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Theo Arete Research, các khoản đầu tư là một phần quan trọng về mặt tài chính đối với Tencent. Nghiên cứu chỉ ra rằng lãi trước thuế từ đầu tư của Tencent đã đóng góp tới 63% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2021, cao hơn nhiều so với 36% vào năm 2020 và 15% vào năm 2019.

Những công ty lớn như ByteDance và Tencent đang được chính quyền Bắc Kinh để mắt tới. (Nguồn: GamerBraves).

Richard Kramer, người sáng lập Arete Research và là một nhà phân tích lâu năm của Tencent cho biết: “Với sự sụp đổ trong cả định giá công và tư, lợi nhuận từ các khoản đầu tư khó có thể tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận cho Tencent. Từ lâu, chúng tôi đã lập luận rằng các nhà đầu tư chỉ nên đánh giá ngành công nghiệp internet của Trung Quốc dựa trên các bộ phận hoạt động của doanh nghiệp, chứ không phải lợi nhuận thu được một lần, đặc biệt là từ các loại vốn cổ phần tư nhân không rõ ràng”.

Giá cổ phiếu Tencent đóng cửa ở mức 335,40 HKD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 13/7, sau khi Tencent một lần nữa không được cơ quan quản lý cấp bất kỳ giấy phép mới nào cho các tựa game của công ty.

Với một đế chế công nghệ chạm đến cuộc sống kỹ thuật số của gần như tất cả hơn 1 tỷ người dùng internet Trung Quốc, Tencent đã và đang tích cực đầu tư vào nhiều công ty khác nhau. Số cổ phần nắm giữ này tính đến cuối năm 2021 có giá trị lên tới 130 tỷ USD, cao hơn 27% so với năm 2020, theo báo cáo thường niên năm 2021 của công ty.

Dù vậy, tháng 6, giá trị vốn hóa thị trường của Tencent đã giảm 7,4 tỷ USD sau khi cổ đông lớn Prosus công bố kế hoạch cắt giảm cổ phần của mình trong nhà điều hành WeChat. Tencent cũng đã giảm cổ phần ở nhiều công ty khác nhau. Đầu tháng 6, ông lớn công nghệ này đã giảm tỷ lệ nắm giữ tại Koolearn Technology, đơn vị có 55,7% thuộc sở hữu của tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc là New Oriental Education & Technology.

Đầu năm nay, Tencent đã huy động được 3 tỷ USD từ việc bán một số cổ phần của mình tại Sea, tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Singapore được mệnh danh là công ty có giá trị nhất Đông Nam Á. Để đáp ứng yêu cầu chống độc quyền của Bắc Kinh, vào tháng 12/2021, Tencent đã thông báo rằng họ sẽ bán bớt 16 tỷ USD cổ phần của mình trong JD.com, nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử lớn thứ hai của đất nước và phân phối những cổ phiếu đó như một khoản cổ tức đặc biệt cho các nhà đầu tư.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn tiếp bước Tencent

Mặc dù không có các hạn chế pháp lý rõ ràng đối với hầu hết khoản đầu tư ra bên ngoài của các công ty Trung Quốc, nhưng có một sự ngầm hiểu rằng Bắc Kinh đang cảnh giác với các sáng kiến ​​mở rộng của Big Tech.

Điều đó phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Tencent và các doanh nghiệp internet khác đang phải đối mặt khi họ cân nhắc theo đuổi ít thương vụ mua lại hơn và thoái vốn nhiều hơn để tuân theo lập trường của Bắc Kinh về Big Tech.

Tháng 5, chính quyền Bắc Kinh đã công bố gói 33 điểm gồm các hạng mục chính sách để giúp đưa nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của đất nước trở lại đúng hướng. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng các cơ quan quản lý sẽ nới lỏng việc siết quy định mà họ đã và đang làm, đặc biệt đối với ngành internet.

Việc cắt giảm mới nhất của Tencent tại bộ phận đầu tư của mình diễn ra vài tháng sau khi kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance giải thể đơn vị đầu tư chiến lược, được cho là cũng liên quan tới việc thắt chặt quy định của chính quyền Bắc Kinh với ngành internet. Số lượng các khoản đầu tư và mua lại của ByteDance giảm xuống chỉ còn 9 trong nửa đầu năm nay, so với 27 thương vụ trong cùng kỳ năm 2021, theo dữ liệu từ ITjuzi.

ITjuzi cũng ước tính rằng các giao dịch mua lại và đầu tư của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding đã giảm xuống còn 14 trong nửa đầu so với 19 cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Baidu đã ghi nhận 22 thương vụ mua lại và đầu tư bên ngoài trong nửa đầu năm, giảm đôi chút so với con số 24 của một năm trước đó.

Các cơ quan quản lý vẫn cảnh giác đối với các vi phạm tiềm ẩn của các Big Tech. Ví dụ, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường, mới đây thông báo đã trừng phạt Tencent, Alibaba và Didi Chuxing,… vì không báo cáo các giao dịch sáp nhập trong quá khứ.

Quốc Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.