|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Biểu trưng tinh tế của giảm lãi suất điều hành

14:43 | 20/09/2019
Chia sẻ
Ngày 16-9-2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 0,25 điểm phần trăm các lãi suất điều hành. Vì sao lãi suất điều hành được cơ quan quản lý giảm vào lúc này và liệu nó có ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung?
Biểu trưng tinh tế của giảm lãi suất điều hành - Ảnh 1.

Nhịp giảm lãi suất điều hành của NHNN lần này, nhìn lại, mang tính biểu trưng là chính. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Tổng dư nợ tín dụng tiếp tục cao

Cho đến hết tháng 6-2019, con số tuyệt đối tổng dư nợ đối với nền kinh tế được NHNN công bố trên trang web là 7,74 triệu tỉ đồng, cao kỷ lục từ trước đến nay. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm là 7,36%. Đến hết tháng 8-2019, tăng trưởng tín dụng, theo Vụ Tín dụng, đã vượt 8%.

Các ngân hàng cho biết số liệu này có thể cao hơn do khoảng 10 ngân hàng (chủ yếu là các tổ chức tín dụng đã áp dụng Basel II) đã được nâng hạn mức tín dụng lên 13-17% cho năm nay. Hồi đầu năm, hạn mức tín dụng được phân bổ cho các ngân hàng bình quân tầm 12% cho năm 2019.

Khi có hạn mức mới, nhiều ngân hàng đã tăng cường giải ngân. Vì thế số dư tín dụng cho đến giữa tháng 9 được dự báo có thể đã cán mốc 8 triệu tỉ đồng.

Qua trao đổi với một số ngân hàng, hầu hết đều cho biết room tín dụng không còn nhiều và dư địa tín dụng chỉ còn có thể cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên, những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Room cho vay bất động sản chắc chắn đã cạn, nên doanh nghiệp địa ốc liên tục phát hành trái phiếu bất chấp sự cảnh báo của NHNN đối với các ngân hàng về đầu tư vào thứ hàng hóa này.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 được đặt ra ở mức 14%, tương đương năm ngoái. Giới chuyên gia ước đoán tín dụng sẽ tăng 12-13%, không tới 14% như kế hoạch do tỷ lệ tín dụng tuy không thật sự cao, nhưng số dư tuyệt đối đã rất cao.

Ngay cả khi áp lực hỗ trợ tăng trưởng GDP đang đè nặng lên tín dụng ngân hàng do giải ngân đầu tư công quá chậm và quá thấp, NHNN cũng không chủ động nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ bởi tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu vẫn còn phức tạp.

Mở rộng thêm cửa cho ngân hàng yếu kém

Một trong những khâu trọng tâm mà ngành ngân hàng vẫn đang phải giải quyết là tái cấu trúc những ngân hàng yếu kém. Ngoài ba ngân hàng Nhà nước đã mua là Xây dựng, Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu, còn Ngân hàng Đông Á đang đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt và 3-4 tổ chức tín dụng nhỏ khác trong danh sách mà cơ quan thanh tra, giám sát luôn luôn phải “để mắt” đến. Chưa kể hai ngân hàng cổ phần khác đang tiến hành tái cơ cấu dài hạn.

Các ngân hàng kể trên đều cần nguồn vốn huy động lớn, liên tục và họ luôn là những điểm niêm yết lãi suất tiết kiệm từ sáu tháng trở lên cao nhất thị trường. Việc đẩy lãi suất huy động cao để thu hút vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của họ đã ít nhiều làm các ngân hàng được xếp hạng tín nhiệm tốt phải chạy theo, tức cũng nâng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn, nếu không muốn mất khách hàng.

Xuất phát từ đây, NHNN hạ lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu 0,25 điểm phần trăm - rất không đáng kể. Chỉ những ngân hàng yếu kém, thiếu thanh khoản, mới được cơ quan quản lý xem xét cho vay tái cấp vốn với thời gian vay tối đa là sáu tháng. Muốn vay tái cấp vốn tiếp, ngân hàng vay phải xoay xở trả khoản vay tái cấp vốn trước, rồi mới được vay mới.

Tương tự, lãi suất tái chiết khấu áp dụng đối với việc cầm cố giấy tờ có giá và trong một số trường hợp đặc biệt, NHNN có thể xem xét cho ngân hàng vay được thế chấp hồ sơ tín dụng. Giảm hai loại lãi suất trên, do đó, giống như mở rộng hơn một cánh cửa để các ngân hàng yếu kém có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ với chi phí ít hơn.

Nhờ đó, họ không phải chạy ra thị trường dân cư, hoặc thị trường liên ngân hàng, “ồn ào” nâng lãi suất huy động để có đầu vào bằng được. Điều này gián tiếp sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất chung, không gây những đột biến mang tính không lành mạnh.

“Cục xương” của nợ xấu

Hai năm qua nợ xấu về cơ bản đã giảm. Những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản đã được mang ra bán đấu giá và các ngân hàng đã thu được nợ gốc, còn lãi cũng thu được phần nào. Một số ngân hàng chủ động sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp những khoản nợ khó đòi. Thị trường nhà đất ấm lên, giá bất động sản có chiều hướng tăng đã thúc đẩy việc xử lý nợ xấu.

Bây giờ phần nợ xấu còn lại (ở đây không tính nợ xấu mới phát sinh từ các khoản vay gần đây) là “cục xương”, là nợ xấu của nợ xấu. Đó là các khoản nợ không có tài sản thế chấp, hoặc tài sản đảm bảo đã mất giá trị gần hết (thí dụ tàu bè, máy móc thiết bị lạc hậu không còn xài được, nếu xài phải đầu tư thêm tiền, gây ô nhiễm môi trường, hàng hóa tồn kho quá đát...), hoặc giấy tờ pháp lý của tài sản thế chấp không đầy đủ...

Để xử lý nợ xấu của nợ xấu, đòi hỏi sự “hy sinh” của nhiều bên. Các ngân hàng sẽ còn phải “hy sinh” bớt lợi nhuận để tháo gỡ nợ xấu đã đành mà doanh nghiệp cũng phải ghé vai vì nợ xấu không phải chỉ từ lỗi ngân hàng. Trên cơ sở như vậy, lãi suất điều hành giảm ở hai loại tái cấp vốn và tái chiết khấu xem ra hợp lý.

Nhịp giảm lãi suất điều hành của NHNN lần này, nhìn lại, mang tính biểu trưng là chính, nhưng là sự biểu trưng tinh tế vì nó cho thấy Việt Nam không nằm ngoài trào lưu giảm lãi suất đang diễn ra trên thế giới, từ Âu sang Mỹ, từ Á sang Phi. Và đó là động thái “ngoại giao cần thiết” của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.

Đầu giờ chiều ngày 13-9-2019, NHNN phát đi thông báo quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ ngày 16-9-2019, theo đó giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7%/năm.

Ngoài ra, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Hải Lý