Biến TikTok thành vật tế thần, Tổng thống Donald Trump có cơ hội đoạt lại vị thế độc tôn về mạng xã hội của Mỹ
Trong khi Microsoft đang đàm phán để mua mảng kinh doanh của TikTok ở Mỹ, Australia, New Zealand và Canada, giới quan sát đã nhận thấy những đối thủ của TikTok ở Mỹ như Facebook, Instagram, Twitter sẽ hưởng lợi nếu ứng dụng này biến mất khỏi lãnh thổ Mỹ.
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành một sắc lệnh đặc biệt vào ngày 6/8 để cấm mọi giao dịch giữa Mỹ với tập đoàn công nghệ ByteDance (chủ sở hữu TikTok) và WeChat, ứng dụng nhắn tin kiêm cổng thanh toán của Tencent, theo Bloomberg.
Lí do mà ông Trump đưa ra để biện minh cho lệnh cấm là tình trạng khẩn cấp liên quan đến công nghệ và hệ thống thông tin liên lạc. Theo lệnh của ông, mọi giao dịch với WeChat, TikTok do mọi cá nhân/tổ chức thuộc quyền tài phán của Mỹ thực hiện sẽ là hành vi phạm pháp. Sắc lệnh sẽ được áp dụng từ ngày 20/9.
Khi giới truyền thông đăng thông tin về sắc lệnh mới của ông Trump, giá cổ phiếu của hàng loạt tập đoàn công nghệ ở Trung Quốc bắt đầu lao dốc. Một ngày sau, cổ phiếu công nghệ Trung Quốc trên sàn chứng khoán Hong Kong giảm hơn 100 tỷ USD.
Ngoài những ảnh hưởng về mặt kinh tế và chính trị, sắc lệnh mới của ông Trump có thể định hình lại thị trường công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực mạng xã hội.
Trương Nhất Minh thành lập ByteDance vào năm 2012 với tham vọng xây dựng một tập đoàn toàn cầu, và Mỹ là vùng đất mà ông luôn muốn chinh phục.
Nền tảng chia sẻ video Douyin là sản phẩm nổi tiếng nhất của ByteDance. Nó bắt đầu hoạt động vào năm 2016 tại thị trường Trung Quốc. Phiên bản quốc tế của nó là TikTok, ứng dụng hoạt động chủ yếu bên ngoài Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, Douyin là một nền tảng mạng xã hội rất phổ biến. Tháng 7/2018, ByteDance tuyên bố 50% người Trung Quốc đang dùng Douyin. Với điểm tựa là Trung Quốc đại lục, ByteDance bắt đầu phát triển TikTok ở các khu vực khác như Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ.
Xuất hiện tại Mỹ từ năm 2018, TikTok nhanh chóng thu hút hơn 100 triệu người dùng hàng tháng tại đây, thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực mạng xã hội với Facebook, Twitter và Snap.
Bên cạnh Douyin và TikTok, ByteDance còn vang danh với hàng loạt ứng dụng công nghệ đặc biệt trong nhiều lĩnh vực khác - bao gồm Xigua (nền tảng chia sẻ video tương tự như YouTube), TopBuzz (ứng dụng tổng hợp thông tin), Lark (ứng dụng bảo mật văn phòng).
Với sự đa dạng về sản phẩm, ByteDance thể hiện tham vọng vươn ra ngoài Trung Quốc với những ứng dụng đặc thù cho từng khu vực địa lí. Mạng xã hội Helo có 15 loại ngôn ngữ vùng miền dành cho thị trường Ấn Độ, ứng dụng tổng hợp tin tức Babe tại Indonesia.
Khi sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực, khả năng cao loạt ứng dụng quốc tế của ByteDance sẽ không tiếp tục xuất hiện trên kho ứng dụng CH Play (của Google) và App Store (Apple). Và nếu thương vụ Microsoft mua TikTok không hoàn tất đúng thời hạn mà ông Trump đưa ra, ByteDance sẽ mất luôn hơn 100 triệu người dùng TikTok tại Mỹ.
Quyết định của Tổng thống Trump có thể dập tắt tham vọng toàn cầu hóa của một trong những tập đoàn công nghệ đang phát triển mạnh mẽ nhất của Trung Quốc và có mức định giá khoảng 140 tỉ USD.
Danh sách 10 ứng dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới tính theo số lượng người dùng hàng tháng bao gồm 6 ứng dụng từ các công ty của Mỹ, 3 ứng dụng của Tencent (WeChat, QQ, Qzone) và TikTok của ByteDance, theo số liệu của trang Buffer.
Nếu Mỹ thi hành sắc lệnh của ông Trump, ứng dụng TikTok sẽ hết cơ hội cạnh tranh với Facebook, Twitter hoặc YouTube, giúp các doanh nghiệp Mỹ lấy lại vị thế độc tôn về mạng xã hội.
Ngay cả khi Microsoft mua lại 70% cổ phần TikTok, thương vụ sẽ vẫn tạo một mạng xã hội mới của người Mỹ.
Lệnh cấm WeChat có tác động lớn hơn rất nhiều so với TikTok. Sydney Morning Herald nhận định sắc lệnh cấm có thể gây đảo lộn cuộc sống của ít nhất 6 triệu người dân liên quan tới Trung Quốc ảnh hưởng, vì WeChat là siêu ứng dụng, chứ không chỉ đơn thuần là một công cụ nhắn tin.