Biên lợi nhuận gộp nhiều công ty gạo giảm mạnh, đâu là nguyên nhân?
Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp gạo giảm sút
Việt Nam được hưởng lợi từ việc Ấn Độ và một số nước xuất khẩu gạo khác áp lệnh hạn chế với với mặt hàng lương thực này. Theo số liệu ước tính của Tổng Cục Thống kê trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, chỉ sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất, ít nhất kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, dù ngành gạo thuận lợi nhưng kết quả kinh doanh của một số công ty không được như kỳ vọng, thậm chí lợi nhuận giảm sâu. Điểm chung của nhiều doanh nghiệp gạo trong quý III là biên lợi nhuận gộp giảm mạnh so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính mới đây của Lộc Trời (Mã: LTG) cho thấy mặc dù doanh thu trong quý III tăng mạnh 63% lên 4.461 tỷ đồng, công ty vẫn lỗ sau thuế tới 327 tỷ đồng.
Nguyên nhân là biên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm sâu xuống 3,4% so với mức gần 18% của cùng kỳ năm ngoái. Do đó, lãi gộp chỉ còn 152 tỷ đồng, thấp hơn 70% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chi phí tài chính cao gấp đôi so với cùng kỳ, do áp lực lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá.
Lương thực – lúa, gạo là mảng đóng góp nhiều doanh thu nhất cho Lộc Trời trong 9 tháng 2023 (khoảng 77%). Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp từ mảng này lại khá thấp khoảng 2,7%. Do vậy, dù doanh thu từ việc bán gạo trong 9 tháng đạt gần 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 216 tỷ đồng.
Trong khi đó, mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có biên lợi nhuận gộp 43% nên dù doanh thu chỉ bằng 1/4 so với mảng gạo nhưng lợi nhuận gộp cao gấp 3 lần, đạt 756 tỷ đồng.
Hay với gạo Trung An (mã: TAR), biên lợi gộp quý III giảm 2,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5%.
Biên lãi gộp của Vinaseed (Mã: NSC) giảm từ mức 31,4% của cùng kỳ xống 27,3%. Trong cơ cấu doanh thu, 25% đến từ kinh doanh gạo, còn lại là giống cây trồng và vật tư nông nghiệp.
Giá bán không tăng kịp với giá gạo nguyên liệu
Việc giá gạo nguyên liệu trong nước tăng nhanh hơn so với giá gạo xuất khẩu là một trong những nguyên nhân bào mòn biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp.
Giá gạo nguyên liệu trong nước trung bình trong quý III ở mức 13.500 đồng/kg, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu chỉ tăng 23% lên trung bình 590 USD/tấn.
Tính đến đầu tháng 11, xu hướng giá gạo trong nước và gạo xuất khẩu vẫn tăng lên. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới 653 USD/tấn. Thái Lan đứng thứ hai với khoảng cách giá khá xa là 560 USD/tấn. Giá gạo trong nước cũng đã chạm đỉnh ít nhất kể từ năm 2021 là 14.100 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết giá gạo xuất khẩu tăng, doanh nghiệp không phải là đối tượng hưởng lợi, người "được" nhiều nhất chính là nông dân trồng lúa. Trong khi đó, giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp "4 không" gồm không vốn, không vùng nguyên liệu, không nhà máy và kho chứa có thể sẽ rủi ro trượt giá.
Đại diện của Lộc Trời cho rằng giá gạo đang cao hơn nhiều so với mặt bằng những năm trước, đợt tăng giá có thể kéo dài vì lực cầu mạnh hơn cung.
“Nếu tình hình Ấn Độ tiếp tục hạn chế xuất khẩu ra thế giới thì giá gạo có khả năng đạt đến 1.000 USD/tấn, mức kỷ lục năm 2008”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết thời gian qua, giá gạo Việt Nam tăng nóng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực kinh tế yếu rơi vào thua lỗ, phải hủy hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp lớn chấp nhận mua hàng giá cao để kịp giao, giữ uy tín với khách hàng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
“Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động. Mỗi khi giá gạo nhích lên một chút, họ đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác”, Chủ tịch VFA nói.
Ông Nguyễn Ngọc Nam đưa quan điểm, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn mà chất lượng gạo tương đương.
Chính vì giá cao, một số mặt hàng gạo thơm như DT8, OM 5451 của Việt Nam có nguy cơ mất thị trường, rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan.
“Các gói thầu của cơ quan hậu cần Indonesia (Bulog) doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao. Mặt khác, Bulog gọi thầu gạo 5%, mặt hàng đang khan hiếm”, ông Nam cho biết.
Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng CTCP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor) cũng cho rằng hiện nay, giá gạo Việt Nam đang ở mức quá cao nhưng hầu như các doanh nghiệp không bán được hàng. Đây cũng là hạn chế, làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác.
Lượng hàng tồn kho giá cao của hầu hết doanh nghiệp đang có xu hướng tăng so với đầu năm. Điển hình như Tổng Công ty Lương thực Miền Nam có lượng tồn kho tính đến cuối quý III là gần 2.410 tỷ đồng, cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Hay với Lộc Trời, lượng tồn kho cũng tăng 30% lên hơn 2.800 tỷ đồng. Tuy nhiên Trung An ghi nhận lượng tồn kho giảm mạnh 42% xuống 821 tỷ đồng.