|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục chưa hẳn là lợi thế

18:17 | 03/11/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng giá gạo Việt Nam cao kỷ lục chưa hẳn là lợi thế vì khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn mà chất lượng gạo tương đương với hàng Việt Nam.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cập nhật ngày 1/11, gạo tấm 5% của Việt Nam đang được xuất khẩu với giá 653 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt là 93 USD/tấn và 90 USD/tấn.

Tương tự, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về giá bán gạo 25% tấm với 638 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 118 USD/tấn và hơn hàng Paskistan 150 USD/tấn.

 

 

Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho biết thời gian qua, giá gạo Việt Nam tăng nóng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực kinh tế yếu rơi vào thua lỗ, phải hủy hợp đồng.

Nhiều doanh nghiệp lớn chấp nhận mua hàng giá cao để kịp giao, giữ uy tín với khách hàng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.

“Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động. Mỗi khi giá gạo nhích lên một chút, họ đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác”, Chủ tịch VFA nói.

Ông Nguyễn Ngọc Nam cho rằng giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn mà chất lượng gạo tương đương.

Chính vì giá cao, một số mặt hàng gạo thơm như DT8, OM 5451 của Việt Nam có nguy cơ mất thị trường, rơi vào tay doanh nghiệp Thái Lan.

“Các gói thầu của cơ quan hậu cần Indonesia (Bulog) doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao. Mặt khác, Bulog gọi thầu gạo 5%, mặt hàng đang khan hiếm”, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.

Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng CTCP Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agro Monitor) cũng cho rằng hiện nay, giá gạo Việt Nam đang ở mức quá cao nhưng hầu như các doanh nghiệp không bán được hàng. Đây cũng là hạn chế, làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác. 

 

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho biết 10 tháng năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,1 triệu tấn gạo, tương ứng gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ sau 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt mức cao nhất, ít nhất kể từ năm 2009.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng lượng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt xấp xỉ 8 triệu tấn.

Dự báo được đưa ra dựa theo nhu cầu của thị trường thế giới và lợi thế sản xuất ba tháng/vụ lúa, Bộ NN&PTNT đã linh hoạt trong tổ chức vụ Hè Thu, Thu Đông, tăng diện tích canh tác ở những nơi đủ điều kiện.

Với 85-90% giống cho năng suất và chất lượng cao, sản lượng lúa năm 2023 dự kiến đạt 43 triệu tấn. Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, chế biến, chăn nuôi, dự trữ, giống, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu khoảng 7,5-8 triệu tấn gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới.

Dự báo thị trường gạo xuất khẩu trong thời gian tới, ông Phạm Quang Diệu cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có khả năng đạt 8 triệu tấn.

Xuất khẩu có thể chạm đến con số kỷ lục, tuy nhiên ông Diệu cũng đặt ra vấn đề rằng tồn kho gối sang năm 2024 sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng.

Như năm 2023, một số doanh nghiệp gặp tình huống ký nhiều hợp đồng nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, giá bật lên, điều này gây ra rủi ro cao.

Mặt khác, đại diện Agro Monitor cũng lưu ý doanh nghiệp cần tính đến trường hợp Ấn Độ có thể quay lại thị trường, mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống.

Để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu trong năm 2024, ông Phạm Quang Diệu cho rằng các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi quyết định ký hợp đồng giao xa vì nguồn cung hạn hẹp, vốn tín dụng khó khăn.

Trường hợp, các ngân hàng có thể thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo, các doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Hoàng Anh