|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Biến đổi khí hậu: Sản xuất cà phê thích nghi thời tiết cho hiệu quả cao

23:20 | 07/03/2017
Chia sẻ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở tỉnh bước đầu đã mở rộng hình thức sản xuất cà phê vối thích nghi với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội ngày càng cao, góp phần phát triển cà phê bền vững trên địa bàn. 
bien doi khi hau san xuat ca phe thich nghi thoi tiet cho hieu qua cao Thị trường cà phê Tây Nguyên vẫn trong xu hướng điều chỉnh giá
bien doi khi hau san xuat ca phe thich nghi thoi tiet cho hieu qua cao Cà phê Việt Nam – Đẳng cấp đã được khẳng định
bien doi khi hau san xuat ca phe thich nghi thoi tiet cho hieu qua cao Kim ngạch xuất khẩu cà phê hai tháng đầu năm ước tăng 22%

Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk đã có gần 36% nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã trồng cây che bóng, chắn gió xen trong các lô cà phê.

Đặc biệt, các nông hộ đã sử dụng các loại cây ăn quả lâu năm, được thị trường ưa chuộng như sầu riêng, bơ sáp, mít nghệ… đưa vào trồng xen trong các vườn cà phê để không những mang lại hiệu quả cao trong cải tạo môi trường sinh thái mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 hoặc 3 lần so với trồng thuần cà phê.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Trương Hồng, Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, việc trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê không những giúp cho cây cà phê hạn chế được ánh sáng trực xạ, điều hoà nhiệt độ, giảm cường độ mưa, hạn chế sự huỷ hoại cấu tượng đất, cản gió mà còn có tác dụng điều hoà được ẩm độ, giảm nhiệt độ cần thiết góp phần vào việc giữ gìn cân bằng môi trường sinh thái.

Mặt khác, lá của cây trồng xen rụng xuống đất còn làm tăng độ phì của đất giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển thuận lợi ngay trong mùa khô…

Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã thực hiện việc tưới tiết kiệm nước, không lãng phí tài nguyên nguồn nước như những năm trước đây.

Trước đây, 1 cây cà phê khi đã bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định, vào mùa khô, các nông hộ tưới từ 600 đến 900 lít nước/lần, nhưng vài năm trở lại đây chỉ tưới 400 hoặc 450 lít nước/lần nhưng năng suất cà phê vẫn không thay đổi.

Thậm chí, những vườn cà phê có trồng xen các loại cây ăn quả dài ngày, số lần tưới nước cho cây cà phê vào mùa khô cũng ít hơn so với trồng thuần cà phê.

Mô hình trồng bơ sáp xen trong vườn cà phê của gia đình anh Phạm Văn Bình, ở xã vùng sâu Ea K’pam (huyện Cư M’gar) là một trong những điểm sáng của việc sản xuất cà phê thích nghi với biến đổi khí hậu.

Trước đây, gia đình anh Bình có 5 sào cà phê kinh doanh cho thu hoạch, mỗi năm chỉ thu vài chục triệu đồng không đủ trang trải trong gia đình.

Sau khi tham quan các mô hình trồng xen cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê, anh Bình quyết định đầu tư mua gần 80 cây bơ sáp, giống bơ Booth về trồng xen trong vườn cà phê.

Hàng năm, cứ vào mùa khô, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn lâm vào hoàn cảnh thiếu nước tưới, thậm chí có nơi cà phê bị chết khô, trong khi đó, vườn cà phê của anh Bình nhờ trồng xen cây bơ vẫn lên xanh tốt, số lần tưới, cũng như lượng nước tưới đều ít hơn nhiều lần so với trồng thuần cà phê.

Việc trồng xen này, hàng năm ngoài thu hoạch cà phê, gia đình anh Bình còn có thu nhập thêm từ 150 đến gần 200 triệu đồng từ tiền bán bơ quả…

Còn anh Bành Trọng Loan, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar chia sẻ, gia đình trồng sầu riêng, bơ sáp xen trong vườn cà phê với mật độ 90 đến 92 cây/ha, hàng năm, năng suất cà phê không giảm (3 tấn cà phê nhân/ha) mà còn thu nhập thêm bơ sáp, sầu riêng hàng trăm triệu đồng.

Anh Loan cũng cho biết, ngoài việc thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng, cái lợi nữa là giảm chi phí đầu tư như số lần tưới nước, sâu bệnh hại cũng ít hơn so với trồng tuần cà phê…

Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đã đưa các giống cà phê mới như TR14, TR15, TR16 và trồng đại trà (chủ yếu là trồng tái canh).

Đây là những giống cà phê sinh trưởng khoẻ, phân cành nhiều, chịu hạn, chín muộn hơn so với các giống cà phê vối khác từ 1 tháng trở lên, có năng suất bình quân 4 tấn cà phê nhân/ha, kháng cao với bệnh gỉ sắt. Do chín muộn nên lúc thu hoạch tránh được mùa mưa, giảm áp lực nhân công thu hoạch, ổn định giá bán.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc trồng cây che bóng, chắn gió xen trong vườn cà phê vẫn còn quá ít so với yêu cầu.

Tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động các nông hộ, doanh nghiệp ngày càng mở rộng việc trồng xen các loại cây lâu năm trong vườn cà phê cũng như áp dụng tưới nước tiết kiệm trong mùa khô nhằm góp phần phát triển cà phê bền vững trên địa bàn.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 203.357 ha cà phê; trong đó có gần 193.000 ha cà phê kinh doanh cho thu hoạch, mỗi năm đạt sản lượng từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Đây cũng là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhiều nhất nước.

Quang Huy