BIDV, VietinBank là chủ nợ lớn nhất của dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
Trụ sở CTCP Gang thép Thái Nguyên
Năm 2018, CTCP Gang thép Thái Nguyên đạt doanh thu hợp nhất 10.935 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước đó.
Theo báo cáo của Tisco, 6 tháng cuối năm thị trường thép diễn biến bất lợi, giá bán các sản phẩm đầu ra của công ty giảm mạnh, chi phí đầu vào tuy có giảm nhưng thấp hơn.
Chi phí tài chính tăng lên 249 tỉ đồng, chủ yếu là lãi vay; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giữ ở mức tương đương; ngoài ra thu nhập bất thường cũng giảm mạnh. Kết quả Tisco lãi sau thuế 29 tỉ đồng, giảm 71% so với năm 2017.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy việc lượng tiền mặt thu từ đi vay tăng đột biến 42% lên tới 11.168 tỉ đồng; dòng tiền trả nợ gốc vay cũng ở mức tương đương 11.055 tỉ đồng.
Tổng tài sản cuối kỳ đạt 10.573 tỉ đồng, trong đó giá trị tồn kho trên 2.400 tỉ đồng, giá trị xây dựng dở dang (chủ yếu dự án Gang thép thái nguyên 2) vượt mức 5.100 tỉ đồng.
Cơ quan kiểm toán nhấn mạnh trong báo cáo tài chính, tổng chi phí đầu tư vào dự án tính đến thời điểm 31/12/2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng; chi phí phát sinh trong năm 2018 chủ yếu là chi phí lãi vay vốn hóa.
Ngày 20/2/2019 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra "Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên"; văn cứ kết luận của Thanh tra Chính Phủ, các khoản mục liên doanh đến dự án được trình bày trong báo cáo hợp nhất có thể bị điều chỉnh khi các kiến nghị của Thanh tra được thực hiện.
Nợ vay ngắn hạn cuối kỳ 2.914 tỉ đồng, tăng hơn 600 tỉ đồng so với đầu năm 2018; ngược lại vay nợ dài hạn giảm hơn 460 tỉ đồng xuống còn 2.800 tỉ đồng.
Riêng đối với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dư nợ vay ngắn dài hạn cuối kỳ gần 3.031 tỉ đồng; trong đó 1.137 tỉ đồng từ BIDV Thái Nguyên và 1.895 tỉ đồng của VietinBank Hà Nội.