|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bị truy thu 575 tỷ đồng thuế: Unilever nói không sai nhưng không cung cấp tài liệu

20:33 | 06/12/2018
Chia sẻ
Liên quan tới quyết định truy thu 575 tỷ đồng tiền thuế, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Unilever đã đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng nhưng hơn 6 tháng vẫn không cung cấp được chứng cứ.
bi truy thu 575 ty dong thue unilever noi khong sai nhung khong cung cap tai lieu Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu thuế Unilever Việt Nam gần 580 tỷ đồng
bi truy thu 575 ty dong thue unilever noi khong sai nhung khong cung cap tai lieu
Unilever bị đề nghị truy thu gần 600 tỷ đồng.

Trao đổi với báo chí ngày 6/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

"Hiện với các doanh nghiệp thì sau khi kiểm tra hoặc thanh tra thuế, gần như doanh nghiệp nào cũng đưa ra các lý do để tránh phải nộp ngân sách. Unilever đã đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng nhưng không cung cấp được chứng cứ. Kiểm toán Nhà nước đã để họ 6 tháng để cung cấp tài liệu nhưng họ không cung cấp", ông Phớc nói.

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước cho biết, cơ quan kiểm toán đã làm việc với Uniever nhiều lần, cũng mời cả Cục Thuế TPHCM và Tổng cục Thuế để xác định số thuế phải nộp nhưng phía doanh nghiệp vẫn không chứng minh được.

"Chúng tôi làm việc với họ nhiều lần, cũng mời Cục thuế TP HCM làm chứng cả Tổng cục Thuế nữa, xác định số thuế phải nộp để làm rõ anh có bằng chứng gì, nghĩa vụ được miễn trừ như thế nào nhưng họ không chứng minh được. Unilever thuê E&Y tư vấn thuế cho họ. Khi chúng tôi mời họ làm việc nhiều lần, họ đều đề nghị không phạt chậm nộp, còn số liệu chứng minh loại trừ khoản thuế phải nộp thì không chứng minh được", ông Phớc nói thêm.

Trước đó, thảo luận tại hội trường Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đề cập Unilever như một dẫn chứng cho việc cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu.

Ông cho biết, sau khi phát hành báo cáo kiểm toán với đánh giá Unilever Việt Nam khai thiếu thuế, doanh nghiệp này kiện lên Thủ tướng và Uỷ ban Tài chính, ngân sách. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước kiểm tra lại và xác định doanh nghiệp khai thiếu 575 tỷ đồng.

Trả lời báo chí ngay sau đó, về phía cơ quan thuế, ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Cục Thuế TPHCM phối hợp với công ty giải quyết vụ trên. Tuy nhiên, theo ông, phía Unilever chưa đồng ý với số tiền truy thu trên.

Theo đại diện cơ quan thuế, giai đoạn 2009-2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng. Do vậy, giai đoạn này, Unilever Việt Nam đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định.

Do đó, khi kiểm toán ngân sách TPHCM năm 2015, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng. Sau khi làm việc lại, thì con số kiến nghị truy thu giảm xuống còn 575 tỷ đồng.

“Sau khi Kiểm toán Nhà nước xác định con số truy thu 575 tỷ đồng, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh có yêu cầu Unilever nộp. Tổng cục Thuế cũng có công văn nhắc Cục thuế và Unilever thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Nhưng đến nay, Unilever vẫn chưa đồng ý và đang kiến nghị. Công văn mới nhất của Tổng cục Thuế vào ngày 6/11 cũng yêu cầu Cục thuế TP. Hồ Chí minh phối hợp với Unilever làm việc với Kiểm toán Nhà nước.

“Hiện Unilever vẫn chưa nộp số tiền 575 tỷ đồng này”, ông Vũ Văn Cường cho biết tại thời điểm cách đây gần 1 tháng.

Liên quan tới vụ việc này, tại Nghị quyết phiên họp tháng 9/2018 của Chính phủ có ghi: Về xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trước 2014.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trường hợp vướng mắc của DN do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập DN trong thời gian trước 2014 (như Nhà máy Thăng Long của Công ty TNHH Canon Việt Nam, Dự án Nhà máy Cần Thơ – Pepsico – Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam mở rộng đầu tư giai đoạn 2009 – 2013) báo cáo Thủ tướng trên tinh thần đảm bảo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

Xem thêm

Phương Dung