Bí quyết giúp 'tân binh' Pan-Saladbowl đưa hoa sang Nhật thành công
Hành trình từ cử nhân kinh tế loại giỏi tới cô chủ vườn hoa nổi tiếng Hà Thành |
Chọn đúng lối đi
Pan-Saladbowl đã chọn hoa cúc là sản phẩm chiến lược đầu tiên để sản xuất và thâm nhập thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường khắt khe nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp xuất khẩu nào.
Pan-Saladbowl đã không theo lối đi thông thường là đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm rồi tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mà đảo ngược cách làm. Bà Nguyễn Thị Trà My - Chủ tịch HĐQT Pan-Saladbowl chia sẻ, khởi đầu Công ty tìm hiểu thị trường, khi có đối tác cam kết tiêu thụ sản phẩm mới tiến hành xây dựng nhà kính, đầu tư máy móc, công nghệ trồng hoa. Cách làm này sẽ không đặt doanh nghiệp vào thế rủi ro vì đầu tư lớn mà không bán được hàng hóa.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), thị trường hoa của Nhật đạt giá trị 9 tỷ USD/năm. Nhu cầu hoa của người Nhật ngày càng tăng, từ phục vụ nhà hàng, khách sạn cho đến trang trí trong các hộ gia đình, đặc biệt, người cao tuổi Nhật Bản có nhu cầu hoa rất cao cho việc thờ cúng. Trong khi đó, nguồn cung nội địa khá thấp nên định hướng của Nhật Bản trong ngành hoa là dựa vào nhập khẩu. Hiện nay, hoa cúc chiếm gần một nửa thị phần tại Nhật, kế tiếp là hoa cẩm chướng và hoa hồng.
Theo Jetro, các nước xuất khẩu hoa vào thị trường Nhật Bản nhiều nhất là Malaysia và Trung Quốc. Việt Nam đang nổi lên là nhà cung cấp hoa có chất lượng cao cho thị trường này. Mặc dù sản lượng chưa bằng các nước trên, nhưng Việt Nam đang có nhiều lợi thế, như thổ nhưỡng, kỹ thuật trồng, hệ thống logistics nên có thể tăng cường xuất khẩu hoa vào Nhật Bản.
Các chuyên gia Jetro nhấn mạnh, để bán được hoa tại thị trường Nhật, hoa phải để được lâu. Muốn vậy, phải trồng hoa đúng vùng đất thích hợp, nhiệt độ từ 15 - 20oC. Với những điều kiện như trên, có thể thấy Pan-Saladbowl đang thực hiện chiến lược kinh doanh đúng hướng, rất khả thi.
Một nhóm chuyên gia Nhật đã hỗ trợ Pan-Saladbowl từ phân tích thổ nhưỡng cho đến tư vấn kỹ thuật trồng hoa tại Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Pan-Saladbowl định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản nên trồng hoa theo công nghệ cao, tức hoa được trồng trong nhà kính với khả năng kiểm soát môi trường, nhiệt độ, nước tưới và chất dinh dưỡng thông qua các cảm biến và hệ thống máy tính.
"Suất đầu tư lên đến 10 tỷ đồng cho một hecta nhà kính, nhưng đổi lại, đáp ứng được các tiêu chuẩn hoa xuất khẩu sang thị trường Nhật, hoa bảo đảm độ đồng đều, cả màu sắc, trọng lượng, tuổi thọ kéo dài từ 6 - 7 tuần", bà Trà My chia sẻ.
Bà Trà My cho biết, Công ty có 40 giống cúc với màu sắc và kiểu hoa khác nhau, hơn 80 loại giống cẩm chướng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Với công nghệ cao nên mật độ trồng hoa của Pan-Saladbowl đạt 600 - 700 ngàn cây hoa cúc/ha, từ 200 - 220 ngàn cây cẩm chướng/ha, mỗi năm trồng từ 2 - 4 vụ, tùy loại hoa.
Pan-Saladbowl đang sản xuất một năm hơn 7 triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, tất cả được xuất khẩu sang thị trường Nhật. Các đối tác Nhật Bản cho biết, nếu Công ty tăng sản lượng lên 2 - 3 lần, vẫn bao tiêu hết.
Cẩn trọng
Trước tín hiệu đầy triển vọng của thị trường, Pan-Saladbowl đặt kế hoạch nâng diện tích trồng hoa lên 200ha từ con số hiện hữu 6ha với mục tiêu trở thành công ty Việt Nam xuất khẩu hoa hàng đầu. Hiện nay, các công ty xuất khẩu hoa lớn tại Việt Nam đều là của doanh nghiệp nước ngoài, như Royal Base (Đài Loan), hay Agrivina (Hà Lan) được biết đến với tên gọi Dalat Hasfarm.
Theo bà Trà My, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao có rất nhiều yêu cầu cần đáp ứng và áp lực rất lớn lên hiệu suất sản xuất nên các bước đi của Pan-Saladbowl phải thật chắc chắn. Cả hai yếu tố trên cần phải tương đồng, nếu không, doanh nghiệp phải đối mặt với những rủi ro khó lường. Công nghệ cao không chỉ là máy móc, thiết bị, phần mềm quản lý mà quan trọng nữa là kỹ thuật canh tác. Thị trường tiêu thụ quyết định thành công, nghĩa là phải tính toán đầu ra phù hợp, giá cả được người tiêu dùng chấp nhận.
Với việc xuất khẩu hoa thành công sang thị trường Nhật, Pan-Saladbowl không quá lo lắng về việc nắm bắt công nghệ và thị trường. Công ty cũng đã gọi vốn thành công từ các định chế tài chính lớn như IFC, Daiwa với tổng mức đầu tư từ 30 - 50 triệu USD trong 5 năm tới.
Pan-Saladbowl đã xây dựng được mô hình chuẩn để chuyển giao công nghệ sản xuất hoa cho nông dân. Nông dân được hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, cung cấp giống, đảm bảo đầu ra, và như vậy, Công ty mở rộng được diện tích trồng hoa chứ không lấy đất của dân. |
"Vấn đề còn lại mà Pan-Saladbowl phải đối diện là nguồn nhân lực đủ khả năng nắm bắt công nghệ sản xuất để tạo ra chất lượng sản phẩm đồng nhất, đặc biệt khi chúng tôi quyết định hợp tác với nông dân để mở rộng diện tích trồng trọt. Đây cũng là lý do mà Pan-Saladbowl triển khai kinh doanh thật thận trọng. Pan-Saladbowl đã xây dựng được mô hình chuẩn để chuyển giao công nghệ sản xuất hoa cho nông dân. Nông dân được hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, cung cấp giống, đảm bảo đầu ra, và như vậy Công ty mở rộng được diện tích trồng hoa chứ không lấy đất của dân", bà My nhấn mạnh.
Đánh giá vấn đề này, theo ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, phải tích tụ đất nông nghiệp để mở rộng diện tích canh tác nhằm đạt được sản lượng quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đồng nhất.
Đây là cách làm đúng nhưng chính sách này thường nghiêng về phục vụ doanh nghiệp. Bằng việc tôn trọng quyền lợi người dân, theo hướng 2 bên cùng có lợi nên Pan-Saladbowl nhanh chóng mở rộng được diện tích trồng hoa, đồng thời giúp nông dân khai thác hiệu quả quỹ đất, có thu nhập tốt hơn.
Bà Trà My cho biết, thời gian Pan-Saladbowl sẽ trồng hoa hồng và các loại rau theo tiêu chuẩn Nhật Bản để phục vụ các thị trường khó tính khác.