|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí quyết giúp start-up gọi vốn thành công dù số liệu 'xấu'

14:30 | 10/09/2018
Chia sẻ
Tạo ấn tượng ban đầu tốt, trung thực, định giá hợp lý là yếu tố giúp chủ doanh nghiệp gọi vốn thành công từ nhà đầu tư.
 

Kêu gọi đầu tư là phương pháp tăng vốn của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh start-up gọi vốn thành công, nhiều người thất bại vì một số lý do như số liệu kinh doanh mập mờ, định giá cao.

Kế hoạch gọi vốn vòng sau

Chia sẻ trong chương trình Café Khởi nghiệp vào sáng 7/9, ông Phạm Duy Hiếu – giám đốc Qũy khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ - nhận định, nhiều người gọi vốn không tạo được ấn tượng ban đầu cho nhà đầu tư. Họ quá chú trọng về sản phẩm nên quên nêu bật tiềm năng thị trường , đội ngũ thực hiện. Đây là 2 yếu tố đầu tiên “cá mập” quan tâm khi săn mồi.

chien thuat giup start up goi von thanh cong du so lieu xau
Phạm Duy Hiếu – giám đốc Qũy khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ.

Ngoài ra, nhà đầu tư còn muốn biết thời điểm, khả năng thoái vốn. Theo ông, gọi vốn cần lộ trình, chiến thuật cụ thể, nghĩa là doanh nghiệp phải chuẩn bị kế hoạch tài chính rõ ràng.

Khác với start-up nước ngoài, công ty khởi nghiệp Việt Nam chưa dự trù các vòng gọi vốn. Doanh nghiệp chỉ gặp nhà đầu tư khi hết tiền trở nên phổ biến. “Nhà đầu tư sẽ không rót vốn cho một dự án đang thiếu tiền bởi rủi ro quá cao. Kế hoạch gọi vốn vòng tiếp theo khiến họ nhìn xa hơn vào tương lai thoái vốn thành công”, Hiếu nói.

Số liệu phản ánh sự trung thực

“Tôi chả tin ai, chỉ tin số liệu” là câu nói nổi tiếng của “vua chảo” Nguyễn Xuân Phú trong Shark Tank Việt Nam. Là nhà đầu tư tài chính, ông luôn nhìn con số để quyết định đầu tư cho start-up hay gửi tiền vào ngân hàng.

Với doanh nghiệp, chiến lược, mô hình kinh doanh được lượng hóa thành số liệu - loại thông tin phản ánh quá khứ, triển vọng phát triển của công ty. Dựa vào đây, nhà đầu tư phác thảo khả năng kiếm tiền của dự án trong 3 - 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, ông Hiếu nói con số có độ trễ so với diễn biến xảy ra. Doanh thu hiện tại thấp nhưng có thể bùng nổ sau vài tháng. Ngược lại, lợi nhuận cao cũng có thể lỗ trong tương lai. Bởi vậy, số liệu quan trọng nhưng không mô tả hết thực tế phát triển của dự án.

“Thay vì chú ý tới hiện tại, nhà đầu tư rót tiền bởi tiềm năng tương lai của doanh nghiệp. Họ mong muốn mở rộng quy mô công ty để đem lại lợi ích to lớn. Nên con số đẹp hay xấu không quan trọng. Yếu tố quan trọng nhất là sự trung thực của bạn qua số liệu”, Hiếu nhấn mạnh.

Ông nói thêm rằng, thực tế cho thấy, một số nhà đầu tư sẵn sàng chi khoản lớn cho dự án chưa có doanh thu, thậm chí đang lỗ. Họ đặt niềm tin, đánh giá cao năng lực của nhà sáng lập và nhìn thấy tiềm năng sản phẩm trong thời gian tới. Vì vậy, cách duy nhất giúp start-up có số liệu xấu gọi vốn thành công là trung thực, đồng thời làm nổi bật đam mê, năng lực bản thân cùng đội ngũ thực hiện.

Video: Doanh nhân Phạm Duy Hiếu trong Café Khởi nghiệp vào sáng 7/9.

3 cách định giá doanh nghiệp

Định giá phi lý là nguyên nhân khiến nhà đầu tư từ chối tham gia thương vụ. Nhiều nhà sáng lập lượng hóa đam mê của họ quá lớn, mà chưa nhìn giá trị công ty dưới con mắt người rót vốn.

Từng tiếp xúc với nhiều start-up, ông Hiếu nói rằng, ngoài những công ty định giá đắt, một số dự án định giá quá rẻ. Bởi chủ doanh nghiệp thiết kiến thức tài chính, kinh nghiệm, kỹ năng để giải đáp chính xác thắc mắc của nhà đầu tư.

Doanh nhân Sử Ngọc Khương – giám đốc đầu tư Savills - cho biết, nhà đầu tư có 3 phương pháp định giá doanh nghiệp, bao gồm: chiết khấu dòng tiền (lấy dòng tiền tương lai để tính giá trị hiện tại), so sánh (đối chiếu công ty với doanh nghiệp làm cùng lĩnh vực để tính giá trị vốn hóa), so sánh các khoản đầu tư.

Thông thường, “cá mập” chỉ muốn săn một nửa con mồi. Họ đề nghị số lượng cổ phần không nhỏ, không cao, dao động 20 – 40% để vừa kiểm soát vừa tạo động lực làm việc cho người điều hành.

“Nhà đầu tư sẽ không thâu tóm một công ty kinh doanh lĩnh vực họ không am hiểu”, ông Khương bình luận.

Xem thêm

Bùi Mến

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.