|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí mật đằng sau những chiếc tivi ngày càng rẻ hơn

07:42 | 19/12/2023
Chia sẻ
Tờ CNN của Mỹ mới đây đã đặt ra một góc nhìn về giá của những chiếc tivi. Cụ thể, từ đồ dùng trong cửa hàng tạp hoá tới ô tô đều lạm phát từng ngày thì những chiếc tivi lại rẻ hơn theo thời gian.

Tớ báo lấy dẫn chứng vào tháng 3/1973, nhà sản xuất thiết bị điện tử RCA Corporation giới thiệu tivi màu giá rẻ mới với giá khoảng 379,95 USD cho mẫu 15 inch, tương đương với mức chi 2.694,32 USD hiện nay.

Ngày nay, một chiếc tivi 32 inch, tức gấp đôi kích cỡ của mẫu tivi nói trên, đang được bán với giá dưới 100 USD. Tại các cửa hàng truyền thống như Best Buy và Target cũng như các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon, một số tivi 55 inch đang được bán lẻ với giá dưới 250 USD. Cách thức sản xuất hiệu quả, sự cạnh tranh gia tăng hoặc một số chiêu trò tiếp thị đã góp phần tạo ra những chiếc tivi rẻ hơn. 

Vậy có phải các nhà sản xuất đã hạ giá vì lòng tốt? Không hề.

 TCL mang tới những chiếc tivi giá rẻ cho thị trường Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Một nguồn doanh thu sinh lợi mới dành cho các nhà sản xuất tivi: bán thông tin về khách hàng. Ngày nay, hầu hết các nhà sản xuất tivi đều là nhà môi giới dữ liệu, thu lợi nhờ thông tin họ thu thập được từ những khách hàng có kết nối internet.

Trong thập kỷ qua, ngành công nghiệp truyền hình đã trải qua một sự thay đổi lớn: Ngày càng nhiều người Mỹ không còn dựa vào các gói truyền hình cáp truyền thống để giải trí. Thay vào đó, họ có nhiều lựa chọn hơn với dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, Max và Disney+. Trên thực tế, vào năm 2022, người Mỹ đã xem các nội dung phát trực tuyến tương đương hơn 19 triệu năm, theo báo cáo tiếp thị hàng năm của Nielsen. 

Đó là một con số vô cùng lớn và thật khó để một chiếc tivi không có khả năng kết nối internet cạnh tranh trên thị trường. Những chiếc tivi hiện đại có kết nối Internet này được gọi là tivi thông minh (smart tivi). Giống như các dịch vụ phát trực tuyến đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh truyền hình cáp, tivi thông minh đã thay đổi cách các nhà sản xuất truyền hình kinh doanh.

Sara Geoghegan, người ủng hộ quyền riêng tư của người tiêu dùng và cố vấn pháp lý tại Trung tâm Thông tin Quyền riêng tư Điện tử cho biết: “Khi chúng ta xem, tivi cũng theo dõi chúng ta. Tivi thông minh thu thập rất nhiều thông tin.”

Geoghegan cho biết lượng dữ liệu mà mỗi nhà sản xuất tivi thu thập thường không rõ ràng, nhưng khi khách hàng thiết lập tivi thông minh thì thói quen, vị trí và có thể nhiều dữ liệu cá nhân hơn sẽ được thu thập và chia sẻ. Điều này chỉ được ngăn chặn khi khách hàng điều chỉnh cài đặt bảo mật của thiết bị.

Các nhà sản xuất tivi sẽ thúc đẩy doanh số bằng việc hạ giá sản phẩm, qua đó tăng cường khả năng thu thập thêm dữ liệu. Không phải ai cũng hài lòng với ý tưởng rằng thiết bị gắn trên tường của bạn có thể thu thập thông tin. Geoghegan lập luận rằng nhiều người có thể không thoải mái khi biết rằng được sử dụng như một công cụ gián điệp là một trong những lý do chính khiến tivi màn hình phẳng mới của họ được bán với giá 70 USD.

Geoghegan nói: “Tôi nghĩ bạn không mong đợi rằng những điều thân mật đang diễn ra trong nhà bạn sẽ được thu thập để lập hồ sơ về bạn. Qua đó, bán đồ cho bạn. Việc kiếm tiền từ thông tin cá nhân là một vấn đề mà chúng ta nên quan tâm.”

Tivi giá rẻ hơn còn đến từ nguyên nhân nào khác?

Trong hàng thập kỷ qua, hình dáng của chiếc tivi đã bớt cồng kềnh hơn, đồng thời cũng có thêm nhiều chức năng hơn, không phải chỉ để xem truyền hình. Những chiếc tivi đã có màn hình mỏng dính, sở hữu hàng chục triệu màu sống động cùng các tính năng giải trí.

Một trong những cải tiến lớn nhất của trong việc sản xuất tivi là “kính mẹ” (mother glass) - thứ đã giúp tạo ra màn hình tivi ngày càng lớn hơn. Theo thời gian, các nhà sản xuất tivi đã tìm ra cách cắt giảm chi phí bằng cách đục nhiều màn hình từ một tấm kính mẹ lớn hơn thay vì sản xuất riêng lẻ từng màn hình.

Paul Gagnon, cố vấn ngành công nghệ tiêu dùng tại Circana, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết: “Cách dễ nhất để giảm chi phí là chia nhỏ chúng từ một tấm kính lớn. Đó là lý do vì sao tivi ngày càng lớn hơn nhưng giá lại không thực sự tăng”.

Nhưng thiết kế này cũng có một nhược điểm. Do tivi hiện đại ngày càng hẹp hơn và nhẹ hơn nên nguy cơ chúng bị lật hoặc vỡ cũng tăng lên. Internet tràn ngập những đánh giá của khách hàng than thở về những chiếc tivi màn hình phẳng mỏng manh.

Một yếu tố khác khiến giá giảm là cạnh tranh gia tăng. Trong vài năm gần đây, các công ty mới đã thâm nhập thị trường Mỹ với các sản phẩm có giá thành tương đối thấp, làm tăng sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất tivi truyền thống.

Hai trong số những sự bổ sung phổ biến hơn gần đây là các công ty Trung Quốc. TCL đã bắt đầu bán tivi ở Mỹ vào năm 2014 và Hisense gia nhập thị trường vào năm 2015. Cả hai đều đang tăng thị phần trên toàn cầu. TCL có mặt rộng rãi tại các cửa hàng lớn và hãng cũng phổ biến như cách mà Motorola hay RCA làm nhiều năm trước.

Gagnon nói: “Khoảng 20 năm trước, có ít công ty bán tivi và công nghệ cũng hạn chế. Những tiến bộ đạt được trong quá trình sản xuất đã thúc đẩy cạnh tranh, kéo giá giảm xuống. Đi cùng kết quả của sự cạnh tranh là tỷ suất lợi nhuận giảm theo thời gian”.

Hầu hết tivi đều cung cấp một số biến thể của công nghệ LED, sử dụng điốt phát sáng để chiếu sáng màn hình. Nhưng những chiếc có chất lượng hình ảnh cao nhất, được gọi là tivi OLED với giá hàng nghìn USD. Mỗi pixel cung cấp nguồn sáng riêng trong tấm nền OLED, tạo ra màu sắc cực kỳ chính xác và nhất quán. Những thiết bị này được sản xuất bởi các công ty như LG và Sony. Chúng thường là những sản phẩm mỏng nhất và đắt nhất trên thị trường.

Thuỳ Trang