|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bí kíp để Shopee chinh phục Đông Nam Á: Ưu tiên thiết bị di động, làm 7 ứng dụng cho 7 thị trường

07:32 | 25/11/2019
Chia sẻ
Sinh sau đẻ muộn song Shopee đang tự tin trong cuộc chiến TMĐT ở Đông Nam Á nhờ những chiến lược riêng, chẳng hạn như thiết bị di động là ưu tiên hàng đầu.

Mới đây, SEA, một trong những công ty Internet hàng đầu Đông Nam Á, đã công bố kết quả kinh doanh trong quý III với doanh thu điều chình đạt 763,3 triệu USD. Mảng TMĐT mang về 257,2 triệu USD, chiến một phần ba tổng doanh thu của công ty.

SEA kì vọng doanh thu từ TMĐT có thể sẽ dao động trong khoảng từ 880 triệu USD tới 920 triệu USD trong năm 2019. Đầu tư mạnh vào hoạt động bán hàng và marketing, Shopee đang duy trì tăng trưởng ấn tượng tại tất cả các thị trường hoạt động.

Shopee đang xếp số một trong bảng xếp hạng các ứng dụng nhóm Mua sắm xét cả về lượng người dùng trung bình hàng tháng và số lượng tải về ở Đông Nam Á và Đài Loan, theo App Annie. Số liệu từ iPrice trong quý III cũng cho thấy Shopee vượt Lazada ở lưu lượng duyệt web tại Đông Nam Á.

Đâu là lý do cho thành công của Shopee trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT ngày càng nóng lên ở Đông Nam Á?

7 ứng dụng di động khác nhau cho 7 thị trường

shopee1

Ưu tiên cho di động là chiến lược mang lại trái ngọt cho Shopee sau 4 năm. (Ảnh: Kr-ASIA, Đồ hoạ: Thái Sơn)

Qui mô nền kinh tế Internet tại Đông Nam Á trong năm 2019 có thể đạt mức 100 tỉ USD, trước khi chạm mốc 300 tỉ USD vào năm 2025, theo một báo cáo mới đây của Google & Temasek / Bain. Động lực chính cho sự tăng trưởng là mảng TMĐT.

Mảng TMĐT hiện tại cụ thể đang có giá trị khoảng 38 tỉ USD, tăng mạnh so với mốc 5,5 tỉ USD của năm 2015.

"Khi chúng tôi bắt đầu vào năm 2015, nhiều doanh nghiệp TMĐT lớn đã hoạt động trong khu vực", Zhou Junjie, COO Shopee, chia sẻ. 

Hồi đó, SEA thấy xu hướng người dùng sử dụng di động cực kì rõ rệt nên công ty chọn chiến lược "di động đầu tiên" để tạo ra sự đột phá.

Khi bắt đầu hoạt động, Shopee chỉ có phiên bản trên di động, trước khi có thêm phiên bản cho máy tính như hiện nay. Song theo số liệu mà công ty tự công bố, 95% đơn hàng Shopee phục vụ được thực hiện qua các nền tảng di động.

"Chúng tôi đã rất nỗ lực để làm 7 ứng dụng cho 7 thị trường khác nhau, đồng nghĩa với việc bạn phải duy trì 7 phiên bản và khi có tính năng mới, bạn phải tổ chức 7 lần ra mắt khác nhau" ông Zhou Junjie tiết lộ.

Cạnh tranh từ các "ông lớn" toàn cầu hay các "tay chơi" địa phương?

chart1

Cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT ở Đông Nam Á là rất lớn song "đất diễn" vẫn còn nhiều tiềm năng. (Đơn vị: tỉ USD, nguồn: Bloomberg/ Google & Temasek / Bain, Việt hoá: Thái Sơn)

Khi được hỏi về cạnh tranh đến từ các "ông lớn" toàn cầu và các công ty địa phương như Tiki, Sendo (Việt Nam) hay Tokopedia, Bukalapak (Indonesia), ông Zhou Junjie từ chối bình luận về chiến lược của đối thủ. Dù vậy, ông tự tin khẳng định Shopee đang tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều.

Shopee cũng đang thoải mái đón nhận các đối thủ trên thị trường. "Cạnh tranh giúp xây dựng hệ sinh thái người bán – người mua đồng thời nâng cao nhận thức về TMĐT nói chung và giúp thay đổi hành vi người dùng," ông Zhou Junjie nhận định.

Giám đốc vận hành Shopee từ chối chia sẻ về cuộc chiến "đốt tiền" của các công ty TMĐT và khẳng định Shopee có cách cách thức duy trì tương tác người dùng riêng, ví dụ như thông qua các trò chơi xã hội. 

"Người dùng sẽ luôn được kết nối, ngay cả khi họ không mua hàng," ông khẳng định. "Chúng tôi cũng đầu tư vào các công nghệ hậu trường như khoa học dữ liệu để nâng cao trải nghiệm người dùng và đưa ra các gợi ý cá nhân hoá".

Shopee là sàn TMĐT đầu tiên cho ra mắt cả tính năng trò chuyện (Shopee Chat) và live-streaming (Shopee Live). 

Với Shopee Live, người bán có thể streaming để giới thiệu sản phẩm nhanh chóng, trả lời thắc mắc của người mua và nhận phản hồi theo thời gian thực từ khách hàng. Bằng cách này, Shopee tin rằng có thể cải thiện niềm tin giữa người mua và người bán.

Zhou Junjie nhận định Đông Nam Á còn nhiều cơ hội dể phát triển, đặc biệt là khu vực nằm ngoài các thành phố lớn. 

Dù vậy, ông nhìn nhận thực tế rằng hạ tầng, số lượng người dùng, logistics và thanh toán khiến TMĐT khó tiếp cận với người dùng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hơn.

Thái Sơn

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.