|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bị kìm kẹp tại quê nhà, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang Đông Nam Á: Việt Nam và Indonesia nhận lượng vốn nhiều nhất

08:15 | 26/01/2022
Chia sẻ
Với Alibaba và Tencent, Đông Nam Á trở thành một miền đất hứa cho tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.

Trong bối cảnh các cơ quan điều hành thắt chặt quản lý tại quê nhà Trung Quốc, Alibaba và Tencent, hai công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đang đẩy mạnh đầu tư ở nhiều thị trường quan trọng tại nước ngoài, theo Tech in Asia.

Đông Nam Á đặc biệt thu hút được sự chú ý của 2 "ông lớn" này trong năm 2021. Cả Alibaba và Tencent đều đầu tư vào mảng thương mại điện tử của Đông Nam Á từ khá sớm song đến nay hiện diện của chúng hiện bao phủ nhiều lĩnh vực hơn.

2 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc ồ ạt rót vốn đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2021 - Ảnh 1.

Các khoản đầu tư của Tencent và Alibaba vào startup Đông Nam Á trong năm 2021. (Nguồn: Tech in Asia, PingWest, CNBC, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Giữa lúc cạnh tranh Alibaba và Tencent ngày càng gay gắt hơn tại Đông Nam Á, nhiều liên minh mới đã được tạo ra và các tác động tới nhiều mảng kinh doanh hơn ở khu vực đầy tiềm năng này.

Tencent đẩy mạnh đầu tư

Trong năm 2021, cả Alibaba và Tencent đều mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, Alibaba chia sẻ kế hoạch tăng trưởng gấp 5 lần tổng số lượng hàng hoá giao dịch (GMV) để chạm mốc 100 tỷ USD vào năm 2030.

Thế nhưng, trong khi Alibaba tập trung mở rộng khoản đầu tư hiện hữu, Tencent lại dành nhiều nguồn lực để mở rộng danh mục đầu tư của mình.

2 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc ồ ạt rót vốn đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2021 - Ảnh 2.

Số lượng các khoản đầu tư công bố của Alibaba và Tencent tại Đông Nam Á từ năm 2014 đến năm 2021. (Nguồn: Tech in Asia research, PingWest, CNBC, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Trên phạm vi toàn cầu, Tencent thực hiện 34 khoản đầu tư trong nửa đầu năm 2021, gấp 11 lần so với cùng kỳ 2 năm trước đó. Về ngành, Tencent dường như cũng có quan điểm đầu tư đa dạng hơn so với Alibaba. Thực tế, đây là điều không quá ngạc nhiên dựa vào hoạt động của Tencent trong quá khứ.

2 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc ồ ạt rót vốn đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2021 - Ảnh 3.

Số lượng các khoản đầu tư công bố của Alibaba và Tencent tại Đông Nam Á từ năm 2014 đến năm 2021 theo ngành. (Nguồn: Tech in Asia research, PingWest, CNBC, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Danh mục đầu tư Đông Nam Á của Tencent bao gồm cả các công ty thuộc các ngành như logistics và vận tải. Đây đều là các lĩnh vực không quá liên quan đến mảng kinh doanh giải trí trực tuyến cốt lõi của nó. Trong nước, Tencent lại có quan điểm đầu tư hẹp hơn khi tập trung vào startup trí tuệ nhân tạo và ứng dụng di động.

Động thái của Tencent cho thấy tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với hình ảnh "trạm trung chuyển" giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Andrew Collier giám đốc điều hành Orient Capital Research, chia sẻ.

Dữ liệu về các khoản đầu tư năm ngoái cũng cho thấy Tencent đang "lấn sân" nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh doanh có sự tham gia của Alibaba. Phân tích trước đây của Tech in Asia cho thấy các khoản đầu tư cạnh tranh 2 bên chỉ nằm ở lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), cuối năm 2021, Tencent bước chân vào cả mảng TMĐT với 3 khoản đầu tư vào Mighty Jaxx (Singapore), Growsari (Philippines) và Ula (Indonesia).

Các quy định chặt chẽ ở mảng tài chính hạn chế tăng trưởng trong lĩnh vực fintech, điều này buộc Tencent và Alibaba phải cạnh tranh ở các lĩnh vực khác. "Fintech là lĩnh vực tăng trưởng nhưng rất khó để có thị phần do nhiều chính phủ muốn kiểm soát dòng chảy tài chính nội địa", ông Collier nhận định.

Làm bạn với các nhà đầu tư

Vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu các startup Đông Nam Á có phải chọn bên trong cuộc chiến Alibaba và Tencent. Tuy nhiên, một điều có thể thấy ngay là hệ sinh thái startup Đông Nam Á đang được hưởng lợi.

Từ năm 2014 đến 2021, cả hai công ty đều dẫn dắt các khoản đầu tư hoặc thực hiện đồng đầu tư với nhiều nhà đầu tư quốc tế cho khoảng 41 lần gọi vốn trị giá 20,6 tỷ USD.

Mặc dù cả 2 công ty đều thích thực hiện đầu tư giai đoạn muộn và đầu tư chiến lược trước năm 2020, Tencent ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các startup còn non trẻ.

Luỹ kế, hơn 77% các khoản đầu tư của Alibaba và Tencent từ năm 2014 đến 2019 được dành cho giai đoạn muộn và đầu tư chiến lược. Tỷ trọng này giảm xuống còn 58% sau năm 2020.

2 'ông lớn' công nghệ Trung Quốc ồ ạt rót vốn đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2021 - Ảnh 4.

Số lượng các khoản đầu tư công bố của Alibaba và Tencent tại Đông Nam Á từ năm 2014 đến năm 2021 theo vòng kêu gọi vốn. (Nguồn: Tech in Asia research, PingWest, CNBC, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Liệu cơn sốt đầu tư vào Đông Nam Á sẽ duy trì?

Ngay cả khi Alibaba và Tencent đang đẩy mạnh hiện diện trong khu vực, có nhiều quan ngại về hoạt động của chúng ở Đông Nam Á.

Đầu tiên, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ thắt chặt hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty địa phương. Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các quốc gia có chung đương biên giới đường bộ của Ấn Độ cũng có thể sẽ được nới lỏng. Trước đó, đây là một trogn những lý do khiến dòng vốn đổi hướng sang Đông Nam Á.

Trong một diễn biến khác, tiềm năng của Đông Nam Á có thể sẽ tiếp tục thuyết phục Tencent và Alibaba đẩy mạnh đầu tư.

Nam Khánh