|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bí ẩn con số lợi nhuận VietinBank 2018, lên kế hoạch lãi 9.500 tỉ đồng trong năm 2019 nếu không được tăng vốn

15:17 | 10/01/2019
Chia sẻ
Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết tăng vốn là thách thức lớn nhất của VietinBank trong năm 2019 và hiện tại ngân hàng đang bám sát phương án tăng vốn tự có đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

VietinBank phải giảm 26.000 tỉ đồng dư nợ do không được phê duyệt tăng vốn

Chiều nay (10/1), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VIetinBank, tổng giá trị gia tăng của ngân hàng trong năm 2018 đạt 27,3 nghìn tỉ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2017. Tổng tài sản toàn hệ thống đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 6,2%.

Dư nợ bình quân năm 2018 tăng 17,6% với cơ cấu dư nợ chuyển dịch rất tích cực theo đồng tiền và kì hạn, trong đó dư nợ cho vay tăng 9,3%. Tổng tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10,6%.

bi an con so loi nhuan vietinbank 2018 len ke hoach lai 9500 ti dong trong nam 2019 neu khong duoc tang von
Ông Lê Đức Thọ phát biểu tại Hội Nghị (Ảnh: DB).

Cơ cấu dư nợ chuyển dịch sang mảng bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dư nợ VND tăng 18%, trong đó dư nợ bán lẻ, SME tăng lần lượt 31% và 29,5%. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, chiếm 60% tổng dư nợ.

Ông Thọ cho biết do phương án tăng vốn chưa được phê duyệt nên trong năm 2018 ngân hàng đã phải giảm dư nợ cho vay trong quí IV (trên 26.000 tỉ đồng). Ông nhận định thách thức lớn nhất của VietinBank trong năm 2019 là cần nâng cao năng lực tài chính. Trong nhiều năm trước đó VietinBank đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng vốn nhưng các biện pháp đã đạt mức tới hạn, tỉ lệ sở hữu cổ đông Nhà nước sát mức mục tiêu và nước ngoài đã đạt mức tối đa.

Lợi nhuận năm 2018 vượt kế hoạch đề ra nhưng giảm so với năm 2017 do chủ động điều chỉnh, đánh giá phân loại nợ.

Cho biết chi tiết hơn về kết quả kinh doanh của ngân hàng và các đơn vị thành viên trong năm 2018, Tổng giám đốc Nguyễn Minh Bình chia sẻ, trong năm 2018, ngân hàng đã có chuyển dịch cơ cấu thu nhập. Cụ thể, tổng thu phí dịch vụ tăng trưởng mạnh 32%, tỉ trọng thu phí dịch vụ trên tổng thu nhập hoạt động được cải thiện.

Lợi nhuận của nhóm công ty con và chi nhánh nước ngoài tăng trưởng mạnh đạt trên 700 tỉ đồng, tăng 27% so với năm trước.

Cũng trong năm 2018, VietinBank đã phát hành hơn 4.000 tỉ đồng trái phiếu thứ cấp, tái cấu trúc vốn tự có cấp 1 và cấp 2.

Đặt kế hoạch lợi nhuận 9.500 tỉ đồng nếu không được tăng vốn

Ông Bình cho biết ngân hàng đặt ra hai kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm 2019 dưới điều kiện bỏ ngỏ là việc liệu có được phê duyệt kế hoạch tăng vốn hay không.

Theo kịch bản 1, VietinBank không được phê duyệt tăng vốn, ngân hàng đặt kế hoạch tăng tổng tài sản 5%, tăng trưởng tín dụng 6,8%, tăng vốn tương ứng với tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 9.500 tỉ đồng.

Kịch bản còn lại là trường hợp ngân hàng được phê duyệt tăng vốn. Tương ứng với mức tăng vốn thì mức tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ông cũng không đưa ra con số cụ thể chi tiết.

Để đạt được những mục tiêu kế hoạch trên, ông Bình cho biết ngân hàng sẽ thực hiện quyết liệt hơn trong việc xử lí nợ xấu, tăng trường về qui mô đi kèm với an toàn, phát triển bán lẻ, tăng tỉ lệ dư nợ VND,...

4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019

Ông Trần Minh Bình cũng nêu bật 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

(1) Triển khai có kết quả kế hoạch hành động thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng lộ trình. Bám sát phương án tăng vốn tự có đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện; tiếp tục khai thác tối đa các biện pháp tăng vốn tự có bao gồm phát hành trái phiếu thứ cấp, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp vốn, cải thiện chất lượng danh mục tài sản có…

(2) Tập trung cải thiện hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với quản lý tốt chất lượng tăng trưởng. Cải thiện NIM, quản trị tốt chi phí vốn.

(3) Cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ hiện đại, chuyển dịch mạnh cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu ngoài lãi.

(4) Đẩy mạnh thu hồi nợ xử lý rủi ro, nợ xấu, nợ bán VAMC, nâng cao chất lượng tài sản.

Xem thêm

Diệp Bình