|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BĐS nhà ở toàn cầu hồi phục, Việt Nam vẫn chờ thời

15:12 | 28/09/2021
Chia sẻ
Trong khi nhiều thành phố lớn trên thế giới đang chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể về lượng giao dịch nhà ở, thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận sự sụt giảm trước tác động của đại dịch.
Lượng giao dịch nhà ở tại Việt Nam 'chìm' theo đại dịch - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam vẫn trầm lắng. (Ảnh minh họa: Tấn Lợi).

Theo báo cáo mới nhất của Savills Research, tại nhiều nước trên thế giới, số lượng giao dịch và giá bất động sản nhà ở trong những tháng gần đây đã ghi nhận mức tăng đáng kể. Số lượng giao dịch bất động sản tại một vài thành phố như Miami (Mỹ), London (Anh), Singapore,... đã quay trở lại, thậm chí vượt so với mức trước dịch.

Thống kê của đơn vị này cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, 136 triệu USD đã được đầu tư vào phân khúc nhà ở trên toàn cầu, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Singapore, Mỹ phục hồi nhanh

Tại các thành phố của Trung Quốc và Singapore, trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng đã ghi nhận sự sụt giảm trong giao dịch. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2021, các giao dịch đã tăng trở lại, vượt mức trước đại dịch.

"Thị trường nhà ở luôn được xem là kênh đầu tư an toàn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, Evergande đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, thị trường bất động sản nước này có thể sẽ có những hoạt động chậm lại trong vài tháng tới", Savills nhận định.

Hay tại các thành phố của Mỹ đã ghi nhận số lượng giao dịch phục hồi và vượt qua mức trung bình trước khi dịch bệnh bùng phát và giữ ở mức cao liên tục trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Chẳn hạn như San Francisco, thị trường này ghi nhận mức giao dịch giảm giảm lớn nhất (57%) vào tháng 5/2020. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng phục hồi và trở lại mức trước đại dịch vào tháng 7/2020 và vẫn giữ mức cao kể từ đó tới nay. 

Trong khi đó, lượng giao dịch và giá trị bất động sản tại Miami đã tăng đáng kể nhờ làn sóng di dân nội địa đến thị trường này. Lượng giao dịch trong nửa đầu năm 2021 tại đây được ghi nhận cao hơn 34% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường bất động sản tại Châu Âu cũng ghi nhận sự phục hồi chậm về khối lượng giao dịch trước đại dịch. Lượng giao dịch tại Paris (Pháp) vẫn ở mức thấp và thị trường Marid (Tây Ban Nha) mới chỉ quay lại mức trước dịch vào tháng 3/2021. 

Trong quý II/2021, thị trường bất động sản London (Anh) ghi nhận mức giao dịch cao, khi người mua gấp rút hoàn thành giao dịch trước khi chương trình hỗ trợ ưu đãi thuế trước bạ (Stamp Duty Holiday) của Chính phủ nước này kết thúc vào cuối tháng 6/2021.

Việt Nam vẫn sụt giảm

Trong khi tại nhiều nước, số lượng giao dịch đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2021 thì tại Việt Nam, lượng giao dịch nhà ở vẫn ghi nhận giảm.

Cụ thể, tại TP HCM, số lượng giao dịch biệt thự và nhà liền kề trong quý 2/2021 giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên là do người mua trở nên thận trọng hơn trước dịch bệnh, nguồn cung hạn chế do một số dự án trì hoãn mở bán hoặc gặp vấn đề pháp lý,...

Ông Vincent Nguyễn, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills TP HCM cho biết: “Trong quý II/2021, nguồn cung sơ cấp biệt thự và nhà liền kề tại TP HCM ở mức thấp. Nguồn cung sơ cấp và thứ cấp hạn chế đã dẫn đến hiện tượng tăng giá. Tuy nhiên, với việc phát triển nhiều dự án tại các quận ngoại thành, vấn đề về nguồn cung sẽ được cân bằng trong tương lai”.

“Nhu cầu đối với bất động sản thấp tầng sẽ được giữ vững. Phân khúc này sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nhờ tỷ lệ hấp thu tốt, chất lượng sản phấm cao cùng hạn chế trong các lựa chọn đầu tư thay thế”, ông Vincent nhận định.

Trong nửa đầu năm 2021, số lượng giao dịch sơ cấp biệt thự và nhà liền kề tại TP HCM giảm 51% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ vẫn giữ ở mức cao với 65%.

Chuyên gia Savills dự báo, về trung hạn, khi các lệnh giãn cách đợi nới lỏng và các hoạt động kinh tế dần quay trở lại trạng thái bình thường, lượng giao dịch bất động sản toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng. Các đô thị vẫn sẽ là điểm đến để sinh sống, làm việc và giải trí,... Do vậy, nhu cầu đối với bất động sản tại các đô thị sẽ tiếp tục gia tăng.

"Tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gây ra khó khăn cho các giao dịch từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, các chủ đầu tư có thể tận dụng thời gian này để chuẩn bị chiến lược và giải pháp tiếp cận phù hợp, nhằm đạt được số lượng giao dịch tương ứng thời điểm trước dịch”, ông Vincent nói.

Tấn Lợi

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.