|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản cuối năm đứng trước nhiều kịch bản

07:50 | 13/09/2021
Chia sẻ
Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi "bóng đen" của đợt dịch bùng phát lần thứ 4. Giới chuyên gia cho rằng, tốc độ phục hồi của thị trường những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Các kịch bản hồi phục của thị trường bất động sản những tháng cuối năm - Ảnh 1.

Kịch bản phục hồi của thị trường bất động sản phục thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. (Ảnh: Khải An).

Thị trường bất động sản tại một số quốc gia trên thế giới những tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự hồi phục khả quan. Theo khảo sát của Savills Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2021, hơn 70% các thành phố trong khảo sát ghi nhận tăng trưởng trong giá trị bất động sản nhà ở.

Riêng chỉ có những thành phố ghi nhận tăng trưởng âm là những thị trường trước đó chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu từ khách hàng quốc tế, một phân khúc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khi bị hạn chế đi lại và du lịch.

Còn tại Việt Nam, thị trường bất động sản có thể hy vọng về một kịch bản tốt vào cuối năm hay không đang là một câu hỏi khó. Bởi theo giới chuyên gia, việc này rất khó định đoạt mà hoàn toàn phục thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, giai đoạn từ nay đến cuối năm không có chuyện thị trường bất động sản sẽ bùng nổ. "Thị trường sẽ chỉ hồi phục ở một mức độ nào đó tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh, khoảng 30% trong quý IV là có thể xảy ra", ông Đính dự báo.

Theo vị chuyên gia này, điểm sáng của thị trường là cả kể trong lúc dịch bệnh, lượng cầu tuy có suy giảm nhưng vẫn rất mạnh. Kể cả nguồn cung hiện nay đang khan hiếm nhưng nếu các điểm nghẽn pháp lý được cởi trói, các dự án sẽ đồng loạt bung hàng.

Ông Đính cho rằng, thị trường sau một thời gian bị nén sẽ sớm bật dậy mạnh mẽ. Do đó, thời gian tới, các nhà đầu tư dù đầu tư phân khúc nào cũng đều có cơ hội.

"Phân khúc nhà ở cũng sẽ vẫn sôi động, vẫn có rất nhiều người chưa mua được nhà, họ vẫn đang chờ thời điểm thích hợp để xuống tiền. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mặc dù hơn một năm qua bị suy yếu vì kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch,... nhưng vẫn là một thị trường tiềm năng", vị này cho hay.

Ngoài ra, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, trong đó có hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp,...

Về triển vọng thị trường những tháng cuối năm nay, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, đối phân khúc căn hộ, đất nền, do dịch bệnh còn đang diễn biễn phức tạp nên tình hình thị trường bất động sản các tháng cuối năm sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các chủ đầu tư, các nhà đầu tư đều giữ tâm lý thận trọng trong việc tung bán cũng như các quyết định đầu tư.

Đáng chú ý theo bà Hằng, giá hai phân khúc này được dự báo sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư.

Nhận định về thị trường nhà ở sau dịch, vị chuyên gia này cho rằng, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động thị trường sau thời gian bị nén lại được dự báo sẽ sôi động hơn.

Hiện nay, trên thị trường Hà Nội, các sản phẩm nhà ở với khoảng giá từ 35 triệu đồng/m2 đến hơn 40 triệu đồng/m2 đang nhiều hàng và cũng đang bán được với số lượng nhiều nhất, với lượng tiêu thụ dẫn đầu tính đến thời điểm nửa đầu năm nay.

Nguồn cung căn hộ dưới mức giá này hiện đang chiếm tỷ trọng ít hơn, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khách hàng. Trong khi đó, căn hộ cao cấp với mức giá trung bình khoảng 75 - 80 triệu đồng/m2 trở lên không nhiều, tốc độ bán cũng chậm hơn các khoảng giá khác.

Còn ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội khẳng định, thị trường vẫn tồn tại những lợi thế nền tảng về nhân khẩu học cũng như sự gia tăng trong vốn sở hữu cá nhân. Do đó, điểm tích cực là nhu cầu đối với bất động sản nhà ở vẫn được ghi nhận khá tốt.

"Dù thời điểm hiện tại có những hạn chế nhất định, các chủ đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân đang tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch kinh doanh sau khi thị trường được mở cửa trở lại, để các hoạt động có thể quay lại trạng thái bình thường nhanh nhất có thể", vị này nhấn mạnh.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cũng đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường bất động sản thời gian tới. Ở cả hai kịch này, thị trường đều phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, tốc độ tiêm vắc xin.

Kịch bản 1, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10 năm nay, nguồn cung chào bán sẽ giảm 29% còn khoảng 13.000 căn tại TPHCM và giảm 5% còn khoảng 17.000 căn tại Hà Nội.

Kịch bản thứ 2, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 12 năm nay, nguồn cung giảm xuống mức rất thấp.

Tại TP HCM, dự kiến cả năm bán được hơn 8.000 căn, thấp hơn so với mức trung bình một quý tại TP HCM đã chào bán vào những năm trước. Đi cùng với đó, số căn cho thuê cũng giảm. Tại Hà Nội, số căn bán được cũng dự báo giảm, còn khoảng 14.300 căn.

Tuy nhiên, theo Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, dù số lượng bán giảm nhiều nhưng giá bán bình ổn, không giảm. Giá bán dự kiến sẽ được các chủ đầu tư tăng 4% đối với dự án cao cấp.

Hà Lê