|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường BĐS phía Nam ngấm đòn, nhà đầu tư bắt đầu cắt lỗ

13:51 | 09/09/2021
Chia sẻ
Thị trường bất động sản TP HCM và cách tỉnh giáp ranh đã xuất hiện tình trạng giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận đến từ một số nhà đầu tư đang chịu áp lực từ lãi vay.
Thị trường bất động sản phía Nam có thể xuất hiện giảm giá, cắt lỗ ở một số phân khúc - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản phía Nam xuất hiện tình trạng bán giảm giá, cắt lỗ đất nền, nhà phố và biệt thự. (Ảnh minh họa: Ngọc Anh).

Thị trường địa ốc đang suy yếu sau gần hai năm chống chọi với dịch COVID-19, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính gần như không còn khả năng để "gồng".

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo, giai đoạn từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ không diễn ra tình trạng bán tháo cắt lỗ như nhiều người lo ngại. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, nhà đầu tư có thể sẽ tăng mạnh đà bán và chấp nhận giảm giá sâu, thậm chí lên tới 20 - 30%.

"Tôi quan sát tại những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề về du lịch như Hội An, có những bất động sản đã bán với mức giá giảm tới 30% và thậm chí hơn. Nhưng họ không rao bán một cách đại trà mà họ tìm những người có thành ý, có năng lực mua để đàm phán", ông Hiển cho hay.

Đồng quan điểm, ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group cho rằng, làn sóng bán tháo bất động sản sẽ chưa xảy ra, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2021. Bởi bất động sản là một tài sản lớn, có những người phải dành dụm rất lâu mới có được. Do đó, họ sẽ giữ tài sản bằng mọi giá như đi vay mượn bạn bè, người thân. Ngọai trừ số ít các nhà đầu tư chuyên mua đi bán lại.

"Tuy nhiên, nếu đến hết năm 2021 mà tình hình dịch bệnh chưa cải thiện, lực bán sẽ tăng dần lên, bắt đầu từ khoảng quý II/2022", ông Chánh dự báo.

Trên thực tế, bước sang tháng 8, sức chịu đựng của các nhà đầu tư đã yếu dần. Thống kê của DKRA cho thấy, thị trường đã xuất hiện tình trạng bán giảm giá, cắt lỗ ở một số phân khúc.

Cụ thể, ở phân khúc đất nền trong tháng 8, thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận duy nhất một dự án mở bán mới, cung cấp ra thị trường 23 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 26%.

Nhiều chủ đầu tư đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn nhằm kích cầu thị trường. Tuy nhiên, theo nhận định của đơn vị này, do trong thời gian qua các tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách toàn xã hội nên tình hình sức cầu thị trường không có nhiều khởi sắc.

Ngoài ra, các chủ đầu tư và sàn môi giới nhanh chóng thích ứng với kế hoạch bán hàng online. Song, bất động sản là tài sản có giá trị lớn, mang tính đặc thù riêng, việc trao đổi thông tin về sản phẩm, đưa ra quyết định mua bán cần có thời gian, xem xét pháp lý, khảo sát thực tế dự án,… mới có thể xuống tiền.

Cùng với đó, thị trường thứ cấp kém sôi động, thanh khoản ở mức rất thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường đã xuất hiện việc một số nhà đầu tư giảm giá, cắt lỗ hoặc giảm một phần lợi nhuận để tạo thanh khoản do chịu áp lực từ lãi vay. 

"Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài và các tỉnh thành tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16, rất có thể thị trường sẽ xuất hiện việc bán tháo, giảm giá bất động sản trên diện rộng", DKRA dự báo.

Thị trường bất động sản phía Nam có thể xuất hiện giảm giá, cắt lỗ ở một số phân khúc - Ảnh 2.

Nguồn cung và tiêu thụ mới ở phân khúc đất nền. (Ảnh: DKRA).

Trong khi đó, phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh cũng khan hiếm nguồn cung mới trong tháng 8. 

Nhiều dự án phải dời thời gian mở bán do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến nguồn cung và sức cầu thị trường sụt giảm mạnh. Các chủ đầu tư dần chuyển sang hình thức bán hàng, ráp căn online tuy nhiên vẫn không hiệu quả như hình thức bán hàng truyền thống.

Riêng tại TP HCM, thị trường nhà phố và biệt thự ghi nhận sự trầm lắng kéo dài. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thị trường không ghi nhận nguồn cung mới mở bán.

"Sức cầu chung toàn thị trường giảm mạnh. Giao dịch thứ cấp kém sôi động và tiếp tục có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thị trường đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu giảm giá bán, cắt lỗ,… của một bộ phận khách hàng do chịu áp lực từ lãi vay, trong khi hiện nay các nguồn thu nhập bị giảm mạnh do tác động của dịch bệnh", DKRA nhận định.

Minh Tuấn