|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BĐS đối diện với áp lực giảm giá, giao dịch nhiều nơi lao dốc

08:17 | 14/07/2021
Chia sẻ
Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư dự báo sẽ đẩy thị trường bất động sản vào kịch bản chịu áp lực giảm giá khá mạnh trên thị trường thứ cấp. Trong khi đó, giao dịch từ các dự án bất động sản tại một số địa phương cũng ghi nhận giảm mạnh.
BĐS đối diện với áp lực giảm giá, giao dịch nhiều nơi lao dốc - Ảnh 1.

Thị trường bất động sảnxuất hiện tình trạng giảm giá, cắt lỗ ở phân khúc đất nền, nhà liền kề. (Ảnh: Hoàng Huy).

Ngay từ đầu quý II/2021, Việt Nam đối diện đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Đợt dịch lần này nguy hiểm nhất, lây lan trên diện rộng và kéo dài nhiều tháng đã gây ảnh hưởng rất lớn cho cả nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản nửa đầu năm 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Kéo theo đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm.

Tuy nhiên, thị trường đang cho thấy những dấu hiệu không phù hợp quy luật và nguyên lý. Cụ thể, theo ông Đính, cầu thực giảm, thể hiện ở số lượng giao dịch giảm nhưng tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản lại đang cho thấy có dấu hiệu mạnh lên. 

Nguyên nhân là do một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác (chứng khoán, ngoại hối, các ngành kinh tế suy yếu khác) đang đổ mạnh vào thị trường bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm. Điều này tạo áp lực tăng giá bán hoặc tăng sản xuất hàng hóa.

Song, hàng hóa trên thị trường đang có dấu hiệu giảm. Nguồn tiền thực tế vào thị trường bất động sản rất lớn trong khi nguồn hàng lại khan hiếm là nguyên nhân chính giá bất động sản bị đẩy mạnh, tạo các cơn sốt trong tháng 2, tháng 3/2021 vừa qua. 

BĐS đối diện với áp lực giảm giá, giao dịch nhiều nơi lao dốc - Ảnh 2.

Một căn hộ chung cư cao cấp được rao bán cắt lỗ. (Ảnh chụp màn hình trên trang Batdongsan.com.vn).

Cũng theo vị chuyên gia này, tại thị trường Hà Nội, tình trạng sốt đất và đầu tư theo phong trào, đám đông,… đã đẩy nhiều nhà đầu tư lẻ phải chịu hậu quả. Ở phân khúc đất nền và nhà liền kề đã xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, giảm giá. Một số sản phẩm cao cấp cũng có dấu hiệu giảm giá thông qua việc đưa chính sách khuyến mãi lớn và tặng quà khủng.

Còn theo một nhà đầu tư lâu năm tại TP HCM, 20% nhà đầu tư đang ôm hàng có thể giảm giá tài sản 5 - 10% để cơ cấu khoản vay, xử lý hợp đồng tới kỳ đóng tiền theo tiến độ. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư dự báo sẽ đẩy thị trường địa ốc vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp khá mạnh.

Giao dịch nhiều nơi giảm mạnh

Báo cáo quý II của Hội môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố cho biết, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, thị trường sụt giảm, giao dịch từ các dự án bất động sản cũng giảm mạnh.  Trong đó phải kể đến một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh phúc. Đây hầu hết là những khu vực từng xảy ra sốt đất hồi đầu năm.

Còn tại Quảng Ninh, Hội môi giới cho biết, do lượng hàng tồn không còn nhiều, cũng không có sản phẩm mới chào bán nên giao dịch chậm. Thị trường nhìn chung có sự ổn định, không có biến động như quý I.

Tại Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm nay có 9 dự án đủ điều kiện bán hàng ra thị trường với 780 sản phẩm. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ không cao do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá bán không có biến động.

Tại Thanh Hóa, giao dịch không cao nhưng ngay từ đầu quý II vẫn có hàng trăm giao dịch. Hoạt động đấu giá đất tại Thanh Hóa cũng chững lại vì dịch COVID-19.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, theo thống kê của đơn vị này, không có dự án mới nào được chào hàng trong quý II. Giao dịch chủ yếu ở thị trường thứ cấp. Đối với sản phẩm đất nền, giá đất hiện đã ổn định lại. Giá bán tại các dự án bất động sản dao động trong khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2.

Tình trạng mua bán, giao dịch cũng diễn ra chậm tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đặc biệt, tại Hội An, nhiều dự án mới chào hàng, cung cấp cho thị trường hàng nghìn sản phẩm nhưng lượng tiêu thụ ghi nhận thấp.

Hà Lê