Nhà đầu tư đất nền 'chùn tay'
Theo Colliers Vietnam, nhiều năm gần đây, đất nền tại các khu vực vùng ven của TP HCM luôn nằm trong danh mục ưa thích của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, giai đoạn này, phân khúc này đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 và trong khoảng 6 tháng tới, sẽ rất khó để phân khúc này trở lại nhộn nhịp như trước đây.
CEO Colliers Vietnam cho rằng, động lực quan trọng khiến phân khúc đất nền trở nên sôi động chính là cơ sở hạ tầng.
"Hiện tại, nhiều nguồn lực đang được tập trung để chống dịch. Một số dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm đã phải tạm ngưng hoặc thi công không đạt được tiến độ đã đề ra", ông David Jackson cho biết.
Còn theo ghi nhận của Colliers Vietnam, trong tháng 5/2021, lượng thông tin truy vấn về đất nền đã giảm từ 15 – 20% so với tháng trước đó.
Trong khi đó, chỉ vài tháng trước, thông tin về việc có khả năng quy hoạch một số huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM đã khiến đất nền tại Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ hoặc Nhà Bè được tìm kiếm mạnh thì nay lượng truy vấn đã giảm mạnh.
CEO Colliers Vietnam cho biết, các tỉnh lân cận TP HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận các thông tin tìm kiếm về đất nền giảm khoảng 10-12% trong giai đoạn từ tháng 04 – 05/2021.
Trong số các tỉnh thành này, Long An đang ghi nhận có hiện tượng dư thừa nguồn cung đất nền.
Cũng theo ông David Jackson, ngoài ảnh hưởng do dịch COVID-19, việc không ít môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch sân bay, cầu cảng…để tạo sóng ảo, thổi giá đất lên quá cao trong đợt sốt đất vừa qua tại một số địa phương cũng khiến các nhà đầu tư cảnh giác hơn.
"Ngay cả khi dịch COVID-19 được khống chế hoàn toàn thì nhà đầu tư cũng sẽ không quá "vồ vập" và thận trọng hơn trước khi xuống tiền.
Chưa kể, không ít nhà đầu tư cũng đã bị "đứt gãy" dòng tiền trong các đợt bùng phát của dịch COVID-19 do bị "chôn" vốn, thậm chí phải bán tháo, cắt lỗ nên phần nào khiến cho tính thanh khoản của phân khúc đất nền cần thêm nhiều thời gian để hồi phục", ông David Jackson nhân định.
Còn theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường BĐS đang suy giảm hay vẫn có lực ngầm là vấn đề còn đang theo dõi, chưa thống nhất nhau. Nhưng rõ ràng việc giao dịch BĐS đang khó, nhất là các dự án mở bán mới vì BĐS là sản phẩm đặc thù, người mua BĐS rất khó mua online mà phải đi tới nơi xem tại chổ, qua lại 2, 3 lần mới có thể chốt cọc, xuống tiền.
Chuyên gia này đánh giá, trong tương lai hiện tượng tăng giá đồng loạt và đột biến ở khắp cả nước như hồi tháng 3-4 sẽ khó xảy ra, trừ những khu vực có yếu tố thuận lợi đặc biệt như khởi công xây dựng hạ tầng hay yếu tố quy hoạch.
Dự báo từ sau quí II, các chủ đầu tư sẽ đối mặt với hiện tượng khách hàng khó xuống tiền hơn, cũng như các khoản nợ ngân hàng đến hạn. Tại một số nơi, chủ đầu tư có thể âm thầm hạ giá bán để thu về dòng tiền.
Ông Hiển cho biết, thực tế trong quí I vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã âm thầm giảm giá dưới danh nghĩa là các chính sách hỗ trợ của ngân hàng. Điều tương tự cũng đang diễn ra với nhiều nhà đầu tư cá nhân khác, đặc biệt là số nhà đầu tư đã có lãi từ các thương vụ đầu tư trước cũng đang có xu hướng cơ cấu lại danh mục để quan sát thị trường.
Thực tế, dữ liệu Batdongsan.com.vn công bố cho thấy, trong tháng 5, dịch COVID-19 lần 4 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành khiến mức độ quan tâm đến bất động sản loại hình đất nền giảm đến19%, đặc biệt là đất nền dự án giảm đến 23%.
Theo ông Hiển, thị trường chỉ thực sự cải thiện khi dịch COVID-19 chìm xuống, người dân có thể đi coi sản phẩm thực tế, dòng tiền bền vững cũng chỉ xuất hiện khi niềm tin vào bất động sản mạnh mẽ hơn.
Với dự báo cơn sốt đất nền như hồi đầu năm sẽ khó tái hiện, chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư nên chú trọng nguyên tắc cơ bản nhất trước khi mua một BĐS đó là giá trị sử dụng. Ví dụ nếu mua một căn hộ ở thành phố thì có thể cho thuê hay không? Nơi đó có thể được giới trí thức trẻ chọn để ở lâu dài được không?
"Đối với đất nền vùng xa thì phải xem nơi đó có khả năng đô thị hoá hay không? Hạ tầng giao thông có khả năng phát triển không?", ông Hiển đánh giá.