|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bầu cử Mỹ: Chờ đợi gì ở cuộc tranh luận cuối cùng?

23:02 | 19/10/2016
Chia sẻ
Với hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump, cuộc tranh luận sắp diễn ra là một trong những cơ hội cuối cùng để thuyết phục cử tri rằng ai xứng đáng làm Tổng thống Mỹ. 
bau cu my cho doi gi o cuoc tranh luan cuoi cung

Cả hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump sắp bước vào cuộc tranh luận cuối cùng, sẽ diễn ra tại Đại học Nevada tại Las Vegas lúc 9h tối thứ Tư theo giờ Mỹ, tức 8h sáng thứ Năm theo giờ Hà Nội.

Kịch bản chương trình giống lần một, kéo dài 90 phút và được chia làm 6 phần với mỗi phần 15 phút, bắt đầu bằng một câu hỏi chủ đề để hai ứng viên trả lời và tranh luận. Người dẫn chương trình là Chris Wallace đến từ đài Fox News.

Đây là một trong những cơ hội cuối cùng để cả hai thuyết phục nhóm cử tri vẫn còn lưỡng lự rằng ai là người nên trở thành Tổng thống Mỹ.

bau cu my cho doi gi o cuoc tranh luan cuoi cung Cuộc chiến nóng bỏng Trump-Clinton: Lần đầu khen nhau
bau cu my cho doi gi o cuoc tranh luan cuoi cung Tranh luận Clinton - Trump: Để kinh tế Mỹ được phồn thịnh

Chương trình diễn ra khi ông Trump vừa tung ra lập luận - có lẽ là kỳ cục nhất từ trước đến nay của mình - rằng cuộc bầu cử năm nay đã bị thao túng nhằm giúp Clinton thắng. Về phần mình, bà Clinton chắc sẽ nhận nhiều câu hỏi cần trả lời về loạt email vừa mới bị WikiLeaks tung ra, cũng như tiết lộ mới về việc bà dùng email cá nhân khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ.

Như hai cuộc tranh luận đầu, đêm thứ Tư sẽ tiếp tục là cuộc đấu khẩu đầy kịch tính và khó đoán trước. Sau đây là những thứ người ta đang chờ đợi, theo quan điểm của CNN:

Liệu Trump có tiếp tục lặp lại quan điểm bầu cử Mỹ bị "thao túng"?

Khi tỷ lệ ủng hộ đang trên đà tuột dốc, ông Trump đã tung ra một cảnh báo hàm ý: Nếu tôi thua, đừng tin vào kết quả.

Với lập luận này, ông Trump thể hiện sự nghi ngờ với giới truyền thông và xu hướng thích châm ngòi cho thuyết âm mưu còn hơn cả những gì ông này từng thể hiện. Đây có vẻ sẽ là chiến lược mà ông sử dụng trước hàng triệu khán giả trong cuộc tranh luận sắp tới, bất chấp việc ngay cả một số thành viên Đảng Cộng hòa cũng phải tìm cớ thoái thác khi được hỏi về quan điểm "thao túng bầu cử" của ông Trump.

Tại một cuộc họp báo ở Vườn Hồng, Nhà Trắng mới đây, Tổng thống Barack Obama cho rằng ông Trump đang "khóc than trước khi cuộc chơi kết thúc". "Chẳng có người nghiêm túc nào lại đi nghĩ rằng ai đó có thể thao túng bầu cử Mỹ", Obama nói.

"Nghệ thuật sân khấu" của Trump, liệu Clinton có thể vượt lên?

Trump giỏi trong việc khiến người khác ngạc nhiên, thể hiện trong cuộc tranh luận lần hai. Trước giờ G, ông này đã tổ chức một cuộc họp báo với những phụ nữ từng cáo buộc bị Bill Clinton lạm dụng tình dục. Sau đó, ông còn mời nhóm người này ngồi vào bên hông sân khấu hòng khiến bà Clinton bị nao núng.

Diễn biến này nhắc người ta nhớ rằng không có gì có thể đoán trước được với ứng viên Trump. CNN cho rằng ông cũng đang trong tâm trạng không ổn định khi gần đây bị tấn công với hàng loạt cáo buộc như sàm sỡ phụ nữ.

Phản ứng trước những scandal của đối thủ, bà Clinton đã dẫn ra một câu nói nổi tiếng từ phu nhân tổng thống Michelle Obama: "When they go low, we go high" (Khi họ càng hạ tiện, chúng ta phải càng cao thượng). Theo CNN, bà sẽ tiếp tục gắn chặt với phong thái này trong cuộc tranh luận đêm thứ Tư.

Ổn định và chuẩn bị kỹ càng: Liệu chiến lược này còn hiệu quả với bà Clinton?

Nếu như phong cách tranh luận của ông Trump quá khó đoán, thì bà Clinton vẫn trung thành với mô típ truyền thống: chuẩn bị, chuẩn bị và chuẩn bị.

Trước mỗi cuộc tranh luận, ứng viên Đảng Cộng hòa luôn giữ một lịch trình thống nhất, thậm chí không đi vận động tranh cử vài ngày trước đó để có thêm thời gian chuẩn bị.

Có vẻ sự cẩn trọng đã có ích trong hai lần đầu, bà liên tục sửa lưng đối thủ bằng những thông tin chuẩn bị trước và luôn giữ phong thái tự chủ trên sân khấu.

Tuy nhiên, tình thế chính trị đêm thứ Tư có thể trở nên quá phức tạp để xoay xở, ngay cả với một người nhiều kinh nghiệm chính trường.

Tuần vừa rồi, WikiLeaks tung ra hàng trăm trang email hack của người phụ trách cuộc vận động của bà Clinton, ông John Podesta. Trong số đó, có bản ghi bài phát biểu của bà Clinton với Goldman Sachs. Theo đó, bà Clinton nói rằng Quốc hội cần tăng cường các quy định tài chính "vì lý do chính trị". Bình luận này có vẻ sẽ không được lòng dư luận vốn tin rằng cựu Ngoại trưởng Mỹ thân thiện với Phố Wall.

Vai trò của người dẫn chương trình Chris Wallace

Phóng viên đài Fox News, Chris Wallace nhận nhiệm vụ dẫn dắt cuộc tranh luận cuối cùng. Ông này đối mặt với áp lực to lớn là giữ cho bà Clinton và ông Trump luôn phải giải trình về tranh luận của mình.

Hai cuộc tranh luận đầu, người dẫn bị chỉ trích là họ chẳng khác nào những trọng tài đầy bị động. Dư luận mong rằng Wallace sẽ phải chỉ ra ngay được nếu ứng viên nào đó tranh luận sai và phải yêu cầu ứng viên trả lời đến cùng câu hỏi nào đó bị bỏ qua.

Nhất là trong bối cảnh các thuyết âm mưu cũng như những buộc tội vô căn cứ đang đe dọa lấn át các vấn đề chính, hơn ai hết, Wallace cần phải nhắc người xem rằng điều gì đáng và không đáng được đưa ra.

Wallace nhận ra sức nặng trong nhiệm vụ của mình, nhấn mạnh hôm Chủ nhật rằng: "Đây không chỉ là một chương trình TV".

Ông này đã công bố 6 chủ đề chính là: nợ và tính pháp lý, vấn đề di cư, nền kinh tế, Tòa án Tối cao, những điểm nóng quốc tế và tính phù hợp để làm Tổng thống.

Clinton

Thách thức lớn nhất với Hillary Clinton trong đêm thứ Tư không khác lắm với những gì bà phải đối mặt trong hai cuộc tranh luận trước: giới thiệu một đất nước với tầm nhìn tích cực trong nhiệm kỳ tổng thống, điều giúp bà khác biệt với ông Trump.

Trump

Còn với ông Trump, thách thức có vẻ còn lớn hơn. Cuộc tranh luận này là cơ hội cuối cùng để thuyết phục những cử tri đang nghi ngờ rằng vị doanh nhân mới tham gia chính trường đủ khả năng và đập tan những lập luận cho rằng ông thiếu khí chất để tở thành người chỉ huy tối cao.

Liệu có bắt tay?

Và tất nhiên, một câu hỏi lớn của đêm nay là : Liệu Clinton và Trump có bắt tay lần này?

Vân Vũ