Tranh luận Clinton - Trump: Để kinh tế Mỹ được phồn thịnh
Vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Hillary Clinton và Donald Trump đang diễn ra tại Đại học Hofstra, New York, Mỹ. Trong 90 phút, hai hai ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ sẽ tranh luận về ba vấn đề lớn là Hướng đi tương lai của nước Mỹ, Tiến tới sự thịnh vượng và Đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.
Làm thế nào để mang tiền về cho nước Mỹ và tạo việc làm cho người Mỹ?
Bà Hillary Clinton cho rằng cần phải xây dựng một nền kinh tế dành cho tất cả mọi người. "Chúng ta cần những công việc mới, những công việc tốt với mức lương cao hơn. Chúng ta cũng phải khiến nền kinh tế này công bằng hơn, bắt đầu bằng việc nâng mức lương tối thiểu và giới giàu có cần phải trả phần của họ," bà Clinton nói.
Trước đó, bà Clinton đề xuất kế hoạch áp 65% thuế thu nhập đối với giới tỷ phú Mỹ. Bà cho biết muốn tạo ra một nền kinh tế biết sẻ lợi nhuận và hỗ trợ nhiều hơn cho những người đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Bà ủng hộ việc trả lương cho người phải nghỉ việc để chăm sóc người thân hoặc bị bệnh, tăng ngày nghỉ dưỡng bệnh và hợp lý hóa chi phí y tế cho trẻ nhỏ và học phí đại học.
Ngược lại, ông Donald Trump cho biết để tạo việc làm cho người dân Mỹ thì cần phải ngăn chặn các công ty rời bỏ nước Mỹ. Lấy ví dụ là đã có hàng nghìn lao động rời Michigan, Ohio, ông Trump cho rằng chính Trung Quốc và Mexico đang "ăn cắp" công việc kinh doanh và việc làm của người Mỹ. Theo ông Trump, Trung Quốc và Mexico đang lợi dụng Mỹ như một cái ngân hàng ngu ngốc để tái thiết lại đất nước và ngày càng có nhiều quốc gia theo gót họ.
Ông cho rằng, để đảm bảo được việc làm cho người dân thì cần ngăn chặn các doanh nghiệp rời bỏ nước Mỹ, ngăn chặn các nước "ăn cắp" doanh nghiệp và việc làm của người dân Mỹ.
Vềvấn đề thuế, ông Trump cho biết sẽ chỉ áp thuế 15% đối với doanh nghiệp, và 3 mức thuế khác đối với cá nhân, gồm 12%, 25% và 33%. Với mức thuế này, ông Trump tự tin rằng, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở lại Mỹ để mở rộng hoạt động và nhiều doanh nghiệp mới sẽ nổi lên. Tuy nhiên theo bà Clinton, chính sách thuế này chỉ có lợi cho tầng lớp kinh doanh giàu có như ông Trump.
Ngoài ra, ông Trump cho biết chính sách năng lượng hiện tại của Mỹ là một thảm họa, và nếu trúng cử, ông sẽ mở lại các mỏ than, để các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn trên các vùng đất công, để nền kinh tế bớt phụ thuộc vào dầu khí và năng lượng tái tạo.
Theo bà Clinton, chính sách của ông Trump đồng nghĩa với việc giới trung lưu trả giá cho sự giàu có của giới tỷ phú. Chính sách của ông Trump được bà Clinton gọi là "Trumped up trickle- down economy". Theo bà, kế hoạch của ông sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ bị đảo ngược hoàn toàn.
Về vấn đề thương mại, trong khi ông Trump cho rằng phải đàm phán lại các hiệp định thương mại, bà Clinton cho rằng, Mỹ cần các hiệp định thương mại tư do.Ông Trump cho rằng, hiệp định NAFTA mà cựu Tổng thống Bill Clinton ký là hiệp định thương mại tệ hại nhất lịch sử nước Mỹ, trong khi bà Clinton gọi đó là tiêu chuẩn vàng cho các hiệp định thương mại hiện nay.
Ông Trump cho rằng TPP cũng là một hiệp định tệ hại và bà Clinton cuối cùng sẽ thông qua hiệp định đó nếu bà trúng cử tổng thống Mỹ.
Phân biệt chủng tộc
Bà Clinton cho biết ông Trump bị lưu một loạt hồ sơ về những hành vi phân biệt chủng tộc. Thậm chí, ông từng bị Bộ Tư Pháp Mỹ kiện về hành động này vào năm 1973.
Bà Hillary Clinton cho rằng mỗi người đều được luật pháp tôn trọng và ai cũng phải tuân thủ luật pháp, nên cần phải kiểm soát tình trạng bạo lực vũ trang. Theo bà, nước Mỹ cần phải gây dựng lại lòng tin giữa các cộng đồng, cũng như giữa công động với lực lượng cảnh sát.
Trong khi đó, ông Trump nhấn mạnh cần phải dùng súng với kẻ xấu và các trường học nên để súng trong mỗi lớp học.
Tấn công mạng và khủng bố
Bà Clinton cho rằng, tấn công mạng là một thách thức lớn đối với chính phủ Mỹ. Có hai mục đích chính để các nhóm tin tặc công mạng dồn dập như hiện nay, một là mục đích thương mại - trộm thông tin, bán đi để kiếm tiền, và hai là mục đích chính trị.
Theo bà, Nga chính là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công vào hệ thống an ninh của Mỹ trong thời gian vừa qua. Bà khẳng định, Mỹ sẽ không ngồi im mà làm tất cả để bảo vệ hệ thống thông tin cá nhân và công cộng của nước mình.
Bà cho biết đã rất bất ngờ khi ông Trump khiêu khích Nga tấn công hệ thống an ninh mạng của Mỹ.
Theo ông Trump, không thể khẳng định Nga là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công vào hệ thống an ninh của Mỹ. Không cần biết nước nào là thủ phạm nhưng hệ thống an ninh của Mỹ bị tấn công chứng tỏ chình quyền của ông Obama và bà Clinton đã mất kiểm soát về vấn đề an ninh khi đó.
Với vấn đề khủng bố, bà Clinton cho rằng cần phải phối hợp chặt chẽ với các nước Trung Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) nói riêng và các tổ chức khủng bố nói chung. Tuy nhiên, ông Trump lại đổ lỗi cho chính quyền Obama vì sự bành trướng của và cho rằng chính sách hợp tác của ông Obama đã tạo ra một "đống hổ lốn" như bây giờ ở Trung Đông.
Mặt khác, bà Clinton cáo buộc Trump ủng hộ chiến tranh ở Iraq. Phản pháo lại, ông Trump phủ nhận, cho rằng đây chỉ là chiêu trò của bà Clinton trong chiến dịch tranh cử. Ông khẳng định mình luôn phản đối chiến tranh.
Không ngoài dự đoán, hai ứng viên liên tục phản pháo nhau một cách kịch liệt |
Vũ khí hạt nhân
Một cáo buộc khác mà bà Clinton vừa đưa ra là Trump không quan tâm đến vấn đề vũ khí hạt nhân, trong khi chính phủ hiện tại làm đủ mọi cách để hạn chế loại vũ khí này.
Ông Trump đồng ý rằng vũ khí hạt nhân là mỗi đe dọa nguy hiểm nhất, nhưng theo ông, thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử. Bởi vì với thỏa thuận này, Mỹ phải đứng ra bảo vệ các nước khác khỏi nguy cơ hạt nhân mà không được "trả thù lao". Theo ông, các nước lớn, như Nhật Bản với ngân sách khổng lồ, có thể tự bảo vệ mình.
Phong thái Tổng thống
Ông Trump chê nữ ứng viên của Đảng Dân chủ không có phong thái làm Tổng thống. Trả lời ngay sau đó, bà Clinton nói, bà đã đi khắp thế giới với tư cách Ngoại trưởng Mỹ.
Không dừng lại, đối thủ của bà cho rằng đúng là bà Hillary có kinh nghiệm nhưng chỉ toàn kinh nghiệm tồi vì chỉ mang về những thỏa thuận tệ hại.
Trước khi kết thúc màn "đấu khẩu", bà Clinton hy vọng mọi người sẽ bầu cho ứng viên nào có thể đảm bảo tương lai cho họ và sự thịnh vượng trong kinh tế.
Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút đã kết thúc. Buổi tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 9/10 tới.