Bạo loạn ở Kazakhstan khiến lãnh đạo thế giới phải dè chừng về khủng hoảng giá năng lượng
Từ đầu tuần trước, các biểu tình bạo lực bất ngờ nổ ra khi chính quyền Kazakhstan dỡ bỏ mức trần giá khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), vốn là loại nhiên liệu mà đa phần xe cộ ở đất nước Trung Á sử dụng. Theo hãng thông tấn TASS của Nga, động thái này đã khiến giá LPG tăng gần gấp đôi.
Trong nhiều năm qua, giới lãnh đạo ở một số nước đã nhận được sự ủng hộ của dân chúng bằng cách đưa ra chính sách trợ giá năng lượng. Tuy nhiên, chi phí năng lượng tăng cao đã khiến cho những chính sách này không kéo dài được lâu. Dẫu vậy, các chính trị gia vẫn cần phải cân nhắc phản ứng tiềm tàng của người dân trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào.
Tình trạng bất ổn và chết chóc đang làm rung chuyển Kazakhstan chính là lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới về hậu quả có thể xảy ra nếu họ không bảo vệ người dân trước mức giá năng lượng tăng vọt, Nikkei nhận định.
Những bài học đắt giá
Kazakhstan là một quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn với trữ lượng khoảng 30 tỷ thùng - đứng thứ 12 thế giới, theo số liệu của Worldometer. Nhưng theo báo chí, các công ty khai thác dầu ở đó như ExxonMobil và Chevron (đều có trụ sở tại Mỹ) thường thích xuất khẩu để có được giá cao hơn, khiến Kazakhstan thiếu hụt nguồn cung cấp dầu.
Không chỉ Kazakhstan, giới lãnh đạo của các quốc gia khác cũng bị đe dọa bởi sự gia tăng giá nhiên liệu, bao gồm cả Trung Quốc, quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng thiếu than.
Hôm 6/1, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã phát đi chỉ đạo từ Chủ nhiệm Ủy ban He Lifeng, trong đó yêu cầu các ngành công nghiệp "tập trung vào việc đảm bảo an ninh năng lượng."
Động thái này diễn ra sau một thông báo của NDRC vào cuối năm ngoái. Khi đó, cơ quan hoạch định kinh tế của chính quyền Bắc Kinh đã thúc giục doanh nghiệp trong nước ổn định nguồn cung than đá. Hôm 6.1, các hiệp hội ngành than kêu gọi tất cả các thành viên thực hiện chỉ thị đó.
Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than đang phải vật lộn với tình trạng tài chính ảm đạm khi Trung Quốc nỗ lực giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu điện đối với đời sống của người dân. Giá điện do đó không phản ánh đầy đủ mức tăng thêm của giá than.
Trong quý III/2021, 60% trong số 43 công ty nhiệt điện niêm yết báo lỗ, theo phân tích của một công ty môi giới được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Do đó, chính phủ đã cho phép các công ty điện lực đang khó khăn về dòng tiền được gia hạn nộp thuế trong quý IV, cùng với các hỗ trợ tài chính khác.
Tại Arab Saudi, chính phủ đã quyết định áp trần giá xăng ở mức 2,18 riyal (tương đương 58 xu Mỹ)/lít vào tháng 7. Các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông - vốn đang đẩy mạnh cải cách để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào dầu mỏ, đã buộc phải đưa ra một số chính sách mới để giảm thiểu tác động của quá trình chuyển đổi đối với đời sống của người dân.
Bên cạnh đó vào năm 2019, Iran tuyên bố sẽ tăng giá xăng dầu lên gấp ba lần, gây ra các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc. Kể từ đó, giới chức Tehran không còn dám "đụng chạm" tới chủ đề nhạy cảm này.
Ngay cả các nước châu Âu dân chủ cũng trở nên cảnh giác với giá năng lượng. Tại Pháp, các cuộc biểu tình của phe "áo vàng" phản đối giá xăng dầu tăng đã làm suy yếu sự ủng hộ với Tổng thống Emmanuel Macron, người đang dự định tái tranh cử năm nay.
Tháng trước, Pháp đã trợ cấp 100 euro (tương đương 113 USD) cho 5,8 triệu hộ gia đình có thu nhập thấp để đối phó với giá năng lượng tăng cao. Cùng tháng đó, Tây Ban Nha cho biết họ sẽ gia hạn cho việc giảm thuế năng lượng.